(kontumtv.vn) – Tổng thống Mỹ Donald Trump có những tính toán hết sức khác nhau với Trung Quốc và với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc về hồ sơ Triều Tiên.
Trung Quốc:
Sau vài thập kỷ chứng kiến các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm thất bại trong việc buộc Triều Tiên phải dừng chương trình hạt nhân của mình, ông Trump đã quyết định sẽ dùng chiêu bài “thương mại” để “dụ” Trung Quốc- đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên- với hy vọng Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực của mình đối với Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump (trái) được cho là sẽ dùng “củ cà rốt” thương mại để “dụ” Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: AP |
Ông Trump từng tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc cả về thương mại và kinh tế để đổi lấy việc Trung Quốc hỗ trợ Mỹ trong việc gây sức ép với Triều Tiên. “Trung Quốc sẽ được hưởng một thỏa thuận thương mại hết sức hấp dẫn với Mỹ nếu họ giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên”, ông Trump hứa hẹn.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo, nếu việc dùng “củ cả rốt” thương mại là không đủ, ông sẽ tính đến việc áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn trong đó có việc công bố các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
“Ông Trump đang đưa ra một lựa chọn khó khăn cho Trung Quốc, đó là gây sức ép để buộc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân của mình nếu không muốn “nếm đòn” trừng phạt của Mỹ”, ông Dean Cheng- chuyên gia tại Quỹ Heritage nhận định. “Dù biện pháp này có hiệu quả hay không thì đây vẫn là một chiến thuật hoàn toàn khác biệt so với các Tổng thống tiền nhiệm”.
Dù vậy, theo ông Koh Yu-hwan, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Hàn Quốc, ông Trump sẽ tìm cách trấn an Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không để Triều Tiên sụp đổ bởi nếu điều này xảy ra, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ “không gây áp lực gì hết với Triều Tiên”.
“Nếu Mỹ và Trung Quốc có thể “tìm được tiếng nói chung”, cơ hội để đối thoại sẽ vẫn rộng mở. Dường như ông Trump sẵn sàng cho việc đạt được thỏa thuận về vấn đề Triều Tiên hơn cả Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama”, ông Koh Yu-hwan nhận định.
Hàn Quốc:
Hàn Quốc là nước cảm thấy bất an nhất khi Triều Tiên gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ít có khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ phát động tấn công trước bởi điều này có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường đối với Triều Tiên.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhìn về phía Triều Tiên từ khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dù ngoài mặt tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên và được coi là người “rất khó đoán trước sẽ hành động như thế nào” cũng được dự đoán là không muốn gây chiến với Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cử nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson làm soái hạm đến khu vực cho thấy, ông Trump muốn cảnh báo Triều Tiên rằng, Mỹ luôn sẵn sàng cho bất kỳ cuộc chiến nào với Triều Tiên nếu thấy cần thiết.
Chuyên gia Lim Eul Chul tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc nhận định: “Điều này khiến Triều Tiên tự tin đưa ra những lời đe dọa cứng rắn nhằm vào Mỹ bởi khả năng Mỹ tiến hành tấn công phủ đầu Triều Tiên chỉ là 1%”.
Dù vậy tờ Kyunghyang Shinmun của Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng, ông Trump đang “chơi bài liều” khi liên tục dùng những lời lẽ cứng rắn nhằm vào Triều Tiên bởi điều này có thể dẫn đến những “toan tính sai lầm từ phía Triều Tiên” và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên sẽ không thể tránh khỏi.
Nhật Bản:
Trước khả năng Triều Tiên có thể tấn công tên lửa bất kỳ lúc nào, Nhật Bản đã triển khai một loạt các biện pháp ứng phó. Rất nhiều thành phố tại Nhật Bản đã kiểm tra lại hệ thống cảnh báo của mình cũng như diễn tập sơ tán người dân, đặc biệt là những người sinh sống gần các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước này.
Hiện có hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại các căn cứ của nước này ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Căng thẳng với Triều Tiên gia tăng đã mở ra cơ hội cho Chính phủ Nhật Bản tiến hành thảo luận về một vấn đề được coi là “cấm kỵ” từ sau Thế chiến thứ 2 đó là quyền được thành lập quân đội để tiến hành chiến tranh.
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản quy định:
(1) Nhân dân Nhật Bản hy cầu (hy vọng và cầu mong) một nền hòa bình thế giới lấy chính nghĩa và trật tự làm nền tảng tư tưởng cơ bản, vĩnh viễn từ bỏ quyền lực nhà nước về việc phát động chiến tranh, từ bỏ việc đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
(2) Để đạt được mục tiêu nêu trên, Nhật Bản sẽ không có Lục quân, Hải quân, Không quân cùng các sức mạnh chiến tranh khác. Nhật Bản không công nhận quyền giao chiến (với nước khác) của nước mình.
Ngoài ra, giới chức Nhật Bản hiện cũng đang tìm cách đẩy nhanh quá trình triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân tương tự như hệ thống tên lửa Aegis hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Hàn Quốc.
Hiểu rõ những lo ngại của phía Nhật Bản, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục có những lời lẽ trấn an Nhật Bản. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố Mỹ “ủng hộ Nhật Bản 100%” và khẳng định, “mọi phương án đối phó với Triều Tiên đã được bày sẵn trên bàn”.
Triều Tiên:
Lãnh đạo Triều Tiên được cho là đang theo dõi “nhất cử nhất động” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có vụ ông Trump ra lệnh dội 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria- một “đòn cảnh cáo” đối với Triều Tiên- kèm theo một loạt những lời lẽ cứng rắn nhằm vào Triều Tiên.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy, ông Trump muốn thể hiện rằng, ông “khó dự đoán và khó nắm bắt” đối với Triều Tiên hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama và sẵn sàng “chơi rắn” nếu thấy cần thiết.
Binh sĩ Triều Tiên diễu binh trong lễ kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15/4). Ảnh: AP |
Tuy nhiên, trái với tính toán của ông Trump, Triều Tiên không những không nhượng bộ mà còn tỏ ra ngày càng thách thức hơn. Triều Tiên từng tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường năng lực “răn đe hạt nhân” của mình và sẵn sàng đáp trả mọi hành động thù địch.
Dù vậy, theo các chuyên gia, cần nhớ rằng, căng thẳng Mỹ-Triều Tiên đã có từ trước khi ông Trump lên nắm quyền khá lâu. Triều Tiên đặc biệt giận dữ trước các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, nhất là khi một trong những nội dung diễn tập được cho là nhằm tiêu diệt nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Triều Tiên đã gọi các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là “ranh giới đỏ” và cũng đã bắt tay vào các cuộc tập trận tấn công phủ đầu cũng như đẩy nhanh việc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân./.