(kontumtv.vn) – Nga và TQ vẫn cần cùng nhau chống phương Tây trong nhiều vấn đề, nhất là Iran, nhưng hai bên dường như có một cuộc hôn nhân vụ lợi hơn là hội tụ tư tưởng.

Bài phân tích trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ cho biết, vào cuối tháng 9, một đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao TQ đã có cuộc họp kín tại trụ sở LHQ ở New York với Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin.

Một tin tức tốt lành cho Ukraina, đó là Bắc Kinh sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ Ukraina có một ghế trong Hội đồng Bảo an bất chấp việc Nga phản đối.

Nga, TQ, Putin, Tập Cận Bình, Ukraina, Syria
Ảnh: Reuters

Động thái này đánh dấu một bước lùi về mặt ngoại giao với Nga – vốn đang tranh thủ sự ủng hộ của TQ tại LHQ trong cuộc đấu tranh ý thức hệ và địa chính trị với phương Tây.

Nó cũng gửi đi một tín hiệu đồng minh thân cận và có giá trị nhất của Nga tại LHQ sẵn sàng theo đuổi những lợi ích riêng.

TQ và Nga coi nhau là đối tác chiến lược và cố gắng sắp xếp lá phiếu của họ tại LHQ một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, việc duy trì một quan hệ đối tác như vậy đang khiến TQ trả giá về mặt ngoại giao, khi sự quả quyết của Nga đe dọa các lợi ích của những đối tác thương mại với Bắc Kinh, từ Trung Đông tới Ukraina.

Kể từ khi Moscow sáp nhật Crưm, Bắc Kinh đã mở rộng quan hệ thương mại với Ukraina và năm nay vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất của Ukraina (theo Financial Times).

Cuối cùng, Ukraina đã đảm bảo được số phiếu đáng kể để trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ – 177/193 thành viên Đại hội đồng.

Dĩ nhiên, Kiev không có quyền phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Hội đồng Bảo an cho biết, Bắc Kinh và Moscow vẫn sắp xếp với nhau nhiều vấn đề từ Iran tới Triều Tiên. Tuy nhiên, liên minh hai nước trở nên yếu đi khi họ có những khác biệt trong những vấn đề khác, từ Nam Sudan đến Ukraina và Syria.

Toan tính riêng

Với Syria, Bắc Kinh ủng hộ giải pháp ngoại giao mạnh mẽ hơn để chấm dứt cuộc xung đột giữa Bashar al-Assad và các đối thủ.

Theo các nhà ngoại giao, một sự thay đổi lớn – có thể là đối lập giữa TQ và Nga – chưa xảy ra trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang chú tâm vào khoảng cách giữa Bắc Kinh và Moscow với hy vọng có thể gia tăng áp lực chính trị khiến Nga kiềm chế trong các hoạt động quân sự ở Syria và Ukraina.

Liên minh Trung-Nga tại Hội đồng Bảo an từ lâu đóng vai trò đối trọng với những tham vọng của Mỹ ở LHQ cũng như trong rất nhiều vấn đề an ninh cấp bách toàn cầu.

Hai bên đã bốn lần cùng phủ quyết các nghị quyết buộc Assad từ bỏ quyền lực. Khi TQ cần Nga trong vấn đề Triều Tiên, họ đã được thỏa nguyện.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên không hoàn toàn còn êm thấm. Khi Nga bắt đầu không kích tại Syria cuối tháng trước, TQ phản ứng không mấy nhiệt tình.

Đầu tháng này, TQ cùng phương Tây đã bỏ phiếu củng cố lệnh trừng phạt với các bên tham chiến của Nam Sudan. Nga bỏ phiếu trắng khi cho rằng, động thái này sẽ chỉ khiến xung đột thêm trầm trọng.

Thậm chí trong những lĩnh vực cùng “bắt tay”, Nga và TQ cũng có những lý do khác nhau. Khi châu Âu thúc ép Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực tại Địa Trung Hải, hai nước cùng muốn thúc đẩy biện pháp ngoại giao nhưng không cùng nguyên cớ.

Moscow lo nghị quyết tạo đà cho việc dùng vũ lực, còn Bắc Kinh sợ ảnh hưởng tới thương mại nếu phương Tây được trao quyền kiểm tra nắm giữ các tàu.

“Trong rất nhiều trường hợp, Bắc Kinh đang cố tạo ra khoảng cách giữa họ và Moscow”, Richard Gowan, nhà phân tích chính trị tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho biết.

Ông nhấn mạnh, Nga và TQ vẫn cần cùng nhau chống phương Tây trong nhiều vấn đề, nhất là Iran, nhưng dường như hai bên có một cuộc hôn nhân vụ lợi hơn là hội tụ tư tưởng.

Philippe Le Corre, chuyên gia về chính sách đối ngoại TQ tại Viện Brookings nhấn mạnh, mối quan hệ Trung-Nga không đơn giản như mọi người hình dung là bạn bè gần gũi chống lại phương Tây.

“Nó không thực sự như thế”, theo Philippe.

Nhà phân tích cho rằng, Putin rất cần những người bạn và tìm cách nuôi dưỡng quan hệ tốt với TQ. Nhưng Bắc Kinh vẫn không an tâm vì những hành động của Nga ở Syria và Ukraina.

Bởi lẽ, nền kinh tế Nga đang sụt giảm. TQ không muốn bị cô lập với phương Tây vì muốn thành một người chơi toàn cầu.

Thái An(Theo Foreign Policy)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *