(kontumtv.vn) – Các hộ gia đình Nga đã rút số ngoại tệ trị giá tới 9,8 tỷ USD khỏi tài khoản ngân hàng vào tháng 3 và các ngân hàng cắt giảm khoảng 1/3 các khoản vay mới cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Reuters

Theo hãng tin Reuters, thông tin trên do Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra ngày 20/4. Nguyên nhân khiến người Nga rút tiền nhiều là lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông Alexander Danilov, Gám đốc bộ phận phân tích và quản lý ngân hàng tại Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Nói thẳng là quý vừa rồi thật khó khăn. Đã có thời điểm tình hình rất đáng lo ngại nhưng giờ đã ổn định. Khu vực ngân hàng phải đối mặt với dòng tiền chảy ra đáng kể khi người dân rút tiền hồi cuối tháng 2. Mọi người rút tiền ra khỏi tài khoản trong tình trạng hoảng loạn, lo lắng”.

Theo báo cáo hàng tháng về phát triển lĩnh vực ngân hàng Nga trong tháng 2, lượng tiền gửi đã giảm 1,2 nghìn tỷ ruble vào tháng 2 và tình trạng sụt giảm tiếp tục vào tháng 3 khi số tiền bị rút ra là 236 tỷ ruble.

Trong báo cáo trên, Ngân hàng Trung ương Nga đã không tiết lộ lợi nhuận lĩnh vực ngân hàng.

Các ngân hàng Nga thu về lợi nhuận kỷ lục 2,4 nghìn tỷ ruble vào năm ngoái nhờ phục hồi kinh tế, nhưng sau cuộc chiến tại Ukraine, khó có thể lặp lại điều đó.

Cho vay tiêu dùng giảm 1,9% trong tháng 3 do lĩnh vực ngân hàng chịu ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất khẩn cấp, giá cả tăng cao đã làm giảm thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, tình trạng bấp bênh về triển vọng việc làm sẽ lan rộng.

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% vào ngày 28/2 khi làn sóng trừng phạt đầu tiên xảy ra, sau đó cắt giảm xuống 17% vào ngày 8/4. Dự kiến ​​lãi suất sẽ được hạ thấp hơn nữa trong cuộc họp hội tiếp theo vào ngày 29/4.

Khối lượng cho vay thế chấp đã tăng 2,1% trong tháng 3 lên khoảng 300 tỷ ruble – khoản mà ngân hàng trung ương đã đưa vào chương trình thế chấp do nhà nước điều hành.

Tuy nhiên, ngân hàng này cho biết họ dự kiến ​​tăng trưởng cho vay thế chấp sẽ giảm xuống 10% -15% vào năm 2022, so với mức hơn 30% vào năm 2021.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế Nga ngày 20/4 cho biết lạm phát năm của nước này đã lên đến mức 17,62% tính đến ngày 15/4, cao nhất kể từ đầu năm 2002 và tăng so với mức 17,49% một tuần trước đó. Nguyên nhân là do đồng ruble biến động khiến giá cả tăng vọt trong bối cảnh phương Tây áp đặt trừng phạt Nga.

Giá cả hầu hết các mặt hàng, từ rau quả, đường cho đến quần áo và điện thoại thông minh đã tăng mạnh trong những tuần gần đây sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, dữ liệu của Cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) ngày 20/4 cho thấy lạm phát tuần ở Nga đã chậm lại sau khi tăng mạnh trong vài tuần qua, giúp Ngân hàng Trung ương Nga có lý do để xem xét cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ban lãnh đạo ngày 29/4 tới.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ có thể cắt giảm lãi suất chủ chốt từ 17% tại các cuộc họp ban lãnh đạo sắp tới và sẽ cố gắng kiềm chế lạm phát bằng mọi cách. Nga đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4%/năm.

Rosstat cho biết lạm phát tuần ở Nga giảm xuống 0,2% trong tuần tính đến ngày 15/4, từ mức 0,66% một tuần trước đó, đưa mức tăng giá tiêu dùng hàng năm lên 11,05%. Cùng kỳ năm trước, giá tiêu dùng tăng 2,72%. Tuần trước, ông Alexei Kudrin, Viện trưởng Viện Kiểm toán Nga, cho biết lạm phát tại Nga có thể ở mức từ 17%-20% trong năm nay. Cuối tháng 3 vừa qua, các nhà phân tích đã dự báo lạm phát trung bình năm 2022 của Nga có thể lên tới 23,7%, mức cao nhất kể từ năm 1999.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *