Các cuộc không kích cùng chiến dịch trên mặt đất ở Tây Bắc Syria đã khiến gần 1 triệu dân thường phải rời bỏ nhà cửa từ tháng 12/2019 – con số lớn nhất trong 9 năm nội chiến kéo dài ở Syria.
Liên Hợp Quốc thậm chí lo ngại một chiến dịch tổng lực ở Idlib có thể dẫn tới một cuộc “tắm máu”.
Khoảng 900.000 dân thường– phần lớn là phụ nữ và trẻ em – đã phải đi lánh nạn từ khi chiến dịch của chính phủ Syria bắt đầu tháng 12/2019. Ảnh: AFP |
Tầm quan trọng của Idlib
Tỉnh Idlib – tiếp giáp Hama, Latakia và Aleppo – là thành trì cuối cùng của các nhóm thánh chiến và lực lượng nổi dậy vốn tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad từ năm 2011.
Lực lượng đối lập từng kiểm soát phần lớn đất nước, Tuy nhiên Quân đội Syria đã giành lại phần lớn lãnh thổ trong 5 năm qua với sự trợ giúp của các lực lượng Nga và các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn. Hiện tại Quân đội Syria muốn giải phóng hoàn toàn tỉnh Idlib.
Những năm gần đây, làn sóng những người mất nhà ở đã tăng gấp đôi lên 3 triệu người, trong đó có 1 triệu trẻ em.
Idlib có tầm quan trọng chiến lược đối với chính phủ Syria. Tỉnh này giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc và có nhiều tuyến đường chạy từ thành phố Aleppo theo hướng nam tới thủ đô Damascus và theo hướng Tây tới thành phố cảng Địa Trung Hải Latakia.
Ai đang kiểm soát Idlib?
Idlib nằm trong sự kiểm soát của nhiều thành phần đối lập chứ không phải là một nhóm, từ khi tỉnh này rơi vào tay lực lượng đối lập từ năm 2015. Tuy nhiên, lực lượng thống trị là nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trước đây có liên hệ với al-Qaeda.
HTS được thành lập năm 2017 bởi một nhóm đã cắt đứt quan hệ với al-Qaeda. Tuy nhiên HTS bị Liên Hợp Quốc coi là một tổ chức khủng bố.
Tháng 1/2019, HTS đã tiếp quản phần lớn các khu vực trong tỉnh Idlib bằng bạo lực. Nhóm này cũng trục xuất một số tay súng phiến quân sang khu vực Affrin của Aleppo, hiện đang nằm trong tầm kiểm soát của các thành phần được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Liên Hợp Quốc ước tính hồi tháng 1/2020 rằng nhóm này có khoảng 12.000 đến 15.000 tay súng ở Idlib và các khu vực lân cận.
Trong trận chiến chống lại chiến dịch của chính phủ Syria, nhóm này nhận được sự ủng hộ của một số thế lực, trong đó có cả nhóm Hồi giáo chiến đấu dưới danh nghĩa Quân đội quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
IS cũng có khoảng vài trăm tay súng ở Idlib. Tuy nhiên, các thành phần khác phản đối mạnh mẽ sự hiện diện của tổ chức khủng bố này.
Lý do chính phủ Syria tiến hành chiến dịch hiện nay
Idlib được đưa vào thỏa thuận “vùng giảm căng thẳng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran từ tháng 5/2017. Thỏa thuận kêu gọi dừng các hành động thù địch ở 4 khu vực chính do các lực lượng đối lập kiểm soát, trong đó có Idlib.
Tháng 10/2017, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai vực lượng tới các chốt quan sát tại khu vực do lực lượng đối lập ở Syria kiểm soát tại Idlib để giám sát thỏa thuận nêu trên. Lực lượng Nga cũng làm điều tương tự ở khu vực do phía chính phủ Syria kiểm soát. Tuy nhiên, điều này không ngăn được Quân đội Syria tiếp quản phần lớn khu vực ngoại ô phía đông Idlib trong 4 tháng sau đó.
Chính phủ Syria khi đó đã hướng sự chú ý tới thành trì của phe đối lập ở xa hơn về phía Nam, nổi bật là tỉnh Homs, và khu vực Đông Ghouta ở gần thủ đô Damascus. Tính đến tháng 7/2018, chính phủ Syria đã giành lại được tất cả những khu vực kể trên. Nhiều thành phần ủng hộ lực lượng đối lập đã được sơ tán tới Idlib như một phần của thỏa thuận hạ vũ khí.
Lực lượng chính phủ Syria khi đó cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch ở Idlib. Tuy nhiên, một chiến dịch như vậy đã dừng lại tháng 9/2018 theo một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Thỏa thuận Sochi kêu gọi thiết lập một vùng đệm phi quân sự dọc tiền tuyến. Lực lượng nổi dậy được yêu cầu rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực và các nhóm thánh chiến cũng phảu rút khỏi đây.
Tuy nhiên, dù lực lượng nổi dậy đã rút một số vũ khí hạng nặng nhưng các tay súng thánh chiến vẫn ở trong khu vực này.
Việc HTS tiếp quản Idlib một năm trước diễn ra sau các cuộc xung đột mới. Lực lượng chính phủ Syria và máy bay chiến đấu của Nga đã tăng cường các cuộc không kích ở các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát, trong khi nhóm thánh chiến nã pháo vào các vũng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát.
Tháng 4/2019, Quân đội Syria tiến hành chiến dịch nhằm vào phía Bắc Hama và phía Nam Idlib. Liên Hợp Quốc cho biết, 500 dân thường đã thiệt mạng và 400.000 người mất nhà ở trong 4 tháng sau đó trước khi một lệnh ngừng bắn được tuyên bố.
Khoảng 900.000 dân thường– phần lớn là phụ nữ và trẻ em – đã phải đi lánh nạn từ khi chiến dịch của chính phủ Syria bắt đầu tháng 12/2019, theo Liên Hợp Quốc. Chỉ riêng trong tháng 2/2020, có khoảng 300.000 người mất nhà ở.
Quân đội Syria đã giành lại các thị trấn quan trọng ở phía Nam Idlib và kiểm soát được tuyến cao tốc M4 nối Aleppo với Latakia và M5 nối Aleppo với Damascus. Trong khi đó, những người mất nhà ở phải di chuyển theo hướng Tây và hướng Bắc về khu vực được cho là an toàn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria và đang lo ngại về một làn sóng tị nạn khác, đã nêu thời hạn đến cuối tháng 2 nếu quân đội Syria không rút ra khỏi đường ranh giới đánh dấu các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ phải đối mặt với hành động quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng nghìn quân tiếp viện tới Idlib và đã có các cuộc đụng độ chết người giữa lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Assad đã tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch và đưa Idlib trở lại tầm kiểm soát của chính phủ.
Lo ngại cảnh “tắm máu” ở Idlib
Điều phối viên Liên Hợp Quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Tây Bắc Syra đã lên tới một “điểm đáng sợ mới”.
“Những dân thường mất nhà ở đang chịu sự tổn thương, nhiều người đang phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh do các khu trại đều đã chật kín người. Nhiều trẻ em đang chết cóng. Bản thân các nhân viên cứu trợ nhân đạo cũng bị mất nơi ở và thậm chí thiệt mạng”, ông nói.
Năm 2019, ông Lowcock từng cảnh báo rằng, một chiến dịch tổng lực ở Idlib có thể dẫn đến “sự thiệt hại lớn về người – con có thể lên tới hàng trăm nghìn người, thậm chí có thể hơn thế”.
Liên Hợp Quốc ngày 21/2 cũng cảnh báo giao tranh ở tây bắc Syria có thể kết thúc bằng cảnh “tắm máu”, và một lần nữa kêu gọi các bên có ảnh hưởng ở Syria đứng ra dàn xếp một lệnh ngừng bắn để tránh thảm kịch này./.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)