(kontumtv.vn) – Sự đối đầu an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông đã lên đến cao trào. Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thăm tàu khu trục USS John C.Stennis tại các vùng biển đang tranh chấp sau khi Tướng Trung Quốc Phạm Trường Long– nhân vật cấp cao thứ hai trong quân đội Trung Quốc– thanh sát các cơ sở hạ tầng mà nước này xây dựng trái phép gần đó.

Chuyến thăm của ông Carter là một trong những biểu hiện công khai nhất từ trước tới nay cho thấy quyết tâm của Mỹ duy trì vai trò người bảo đảm chính về an ninh tại các vùng biển của châu Á – Thái Bình Dương. Tương tự, ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, là quan chức cấp cao nhất từ trước tới nay của Trung Quốc đến thăm các hòn đảo mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông thời gian qua.

Trong khi thời điểm và địa điểm chính xác của chuyến thăm của ông Phạm không được công bố, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết ông dẫn đầu một đoàn quan chức địa phương và quân đội đã tới thăm ngọn hải đăng, các trạm khí tượng và một trung tâm giám sát biển tại quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này được phía Trung Quốc công bố sau khi Bộ trưởng Carter trong chuyến thăm Ấn Độ và Philippines thông báo sẽ củng cố quan hệ với các nước láng giềng này của Trung Quốc.

Giám đốc Viện nghiên cứu Sức mạnh biển và Chính sách quốc phòng, thuộc Đại học Khoa học chính trị và Pháp luật Thượng Hải, ông Ni Lexiong nhận định: “Thông điệp đã rất rõ ràng: Trung Quốc đang tung đòn đáp trả Mỹ, chứng tỏ rằng họ không hài lòng và sẽ không hài lòng về việc này. Chuyến thăm của ông Phạm như thể để nói rằng ‘Tôi ở đây chờ ông’”.

Về phần mình, chuyên gia bình luận chính trị của tờ The Telegraph, Philip Sherwell, cảnh báo chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ gây ra “bão tố” ở Biển Đông. Sherwell nhận định một chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới một trong những tàu khu trục của nước này là một phần bình thường trong công việc của ông, nhưng sẽ là không bình thường khi con tàu khu trục ấy đang đi qua vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Trên thực tế, Đô đốc hải quân Ron Boxall cho biết tàu khu trục chạy bằng năng lượng hạt nhân USS John C.Stennis đã được triển khai tới khu vực này từ ba tháng nay. Và trong ba tuần qua, tàu đã tới Biển Đông thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ, không phải một phần của “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP) như Mỹ từng tiến hành hai lần xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Đến thời điểm ông Carter thăm tàu, USS John C.Stennis đang ở vị trí cách đảo Luzon của Philippines khoảng 60 hải lý về phía Tây.

Biển Đông
Sự đối đầu an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông đã lên đến cao trào. Ảnh: diplomaticourier.

Michael S. Schmidt, cây bút chuyên viết về an ninh quốc gia của tờ The New York Times, cũng cảnh báo rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm hai tàu khu trục (một của Ấn Độ và một của Mỹ) trong chuyến thăm Ấn Độ và Philippines vừa qua, cũng như thông báo các thỏa thuận quân sự mới với Ấn Độ và Philippines, có thể sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy cần thúc đẩy các công trình quân sự, bao gồm việc bồi đắp các đảo nhân tạo mới trang bị radar và sân bay tại vùng biển đang tranh chấp. Và việc này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Việc Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý đối với hơn 4/5 diện tích Biển Đông đã gây căng thẳng với các nước Đông Nam Á. Mỹ – vốn không phải là một bên tranh chấp – cho rằng hành động quân sự hóa các hòn đảo mà Trung Quốc đang tiến hành có thể cản trở tự do qua lại vùng biển này, nơi vốn là hải trình thương mại trị giá hơn 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Trên boong tàu USS C.Stennis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định: “Cái mới không phải là một tàu khu trục Mỹ xuất hiện trong khu vực, mà là bối cảnh căng thẳng hiện nay mà Mỹ muốn giảm thiểu”. Trước khi rời tàu, ông nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ sự an toàn và tự do của Mỹ cũng như của các đồng minh và bạn hữu, và ủng hộ các giá trị, nguyên tắc, và hành xử dựa trên trật tự mà mọi người được hưởng lợi từ lâu”.

Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng Mỹ và Philippines đang “đầu độc” quan hệ giữa các nước, làm “gia tăng đối đầu khu vực và hủy hoại hòa bình và ổn định tại Biển Đông”. Nhưng tuyên bố trên không nhắc gì tới các cơ sở quân sự trên các đảo và đá mà Tướng Phạm tới thăm – hành động rõ ràng đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Trung Quốc còn cáo buộc việc tái khởi động liên minh Mỹ – Philippines là “biểu hiện của tư duy Chiến tranh Lạnh” và không có ích cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Philippines khẳng định động thái này là nhằm đáp lại sự hiện diện quân sự tăng cường nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực khi xây dựng các đảo nhân tạo trái phép, triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng sân bay dài và phát triển các cơ sở hạ tầng cảng biển mới tại khu vực tranh chấp.

Các chuyên gia phân tích tại Trung Quốc cho rằng các sáng kiến quân sự mới của chính quyền Obama với các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ không đạt được mục đích thuyết phục Trung Quốc dừng lại, mà thay vào đó sẽ chỉ càng làm tăng thêm lo ngại của giới lãnh đạo ở Bắc Kinh rằng Washington đang sử dụng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông như một cái cớ để bao vây Trung Quốc và ngăn cản sự nổi lên của nước này. Giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định: “Trung Quốc sẽ không thay đổi cách hành xử hay các kế hoạch của mình chỉ vì Mỹ”./.

Thảo Linh/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *