(kontumtv.vn) – Bộ Quốc phòng Philippines tuần qua liên tục có những tuyên bố đáng chú ý trong bối cảnh Biển Đông “dậy sóng” vì Trung Quốc xây đảo nổi và tập trận.
Ngày 12/8, Cục An ninh Hàng hải Trung Quốc ra một tuyên bố cho biết quân đội nước này tổ chức một đợt tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông và cảnh báo mọi tàu thuyền phải tránh xa 3 khu vực được chỉ ra ở gần đảo Hải Nam. Đây là một trong số 100 cuộc tập trận mà Trung Quốc dự định tiến hành trong năm 2015. Trước đó, các cuộc diễn tập đã diễn ra vào cuối tháng 7, tuy nhiên quân đội Trung Quốc đã quyết định lùi ngày tổ chức bắn đạn thật sang ngày 10/8.
Một bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa nhưng hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. (Ảnh: AFP) |
Đáng chú ý đợt tập trận bắn đạn thật này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM 48) tại Malaysia ra Tuyên bố chung chỉ trích những hành động cải tạo, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông làm “gia tăng căng thẳng” trong khu vực. Đợt tập trận này cũng được tổ chức chỉ một thời gian ngắn sau khi hải quân Trung Quốc tổ chức những cuộc diễn tập bắn đạn thật, chiếm đảo trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trong một động thái khác, Tạp chí Navy Recognition cho biết Trung Quốc đã công bố thiết kế đầu tiên của một “cấu trúc nổi cực lớn” (VLSF) do Trung Quốc tự chế tạo trong Triển lãm Thành tựu Khoa học Công nghệ Quốc phòng tại Bắc Kinh vào cuối tháng 7 vừa qua.
Theo đó, cấu trúc này bao gồm rất nhiều những modul nổi có thể gắn kết chặt chẽ với nhau trên biển để tạo ra một “đảo nổi” với quy mô cực lớn. VLSF có thể sẽ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó, cấu trúc này có thể trở thành các cầu cảng, các căn cứ quân sự hoặc thậm chí là các sân bay nổi trên biển.
Những động thái này của Trung Quốc đã bị Mỹ, Nhật Bản, một số nước ASEAN chỉ trích. Đặc biệt là Philippines, ngoài tuyên bố phản đối, nước này đã có những hành động “đáp trả” một cách hết sức bất ngờ.
Đẩy nhanh dự án quân sự ở căn cứ Subic
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines ngày 14/8 khẳng định nước này sẽ xúc tiến kế hoạch lập các doanh trại tại căn cứ Subic hướng ra Biển Đông, bất chấp việc Mỹ có hưởng ứng kế hoạch này hay không.
AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin giải thích về kế hoạch này: Những doanh trại lập mới ở căn cứ Subic dành cho không quân và hải quân, để chiến đấu cơ và tàu khu trục loại nhỏ của nước này có thể phản ứng nhanh trước các tình huống bất ngờ tại các vùng biển đang có tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định Manila quyết tâm mở lại các căn cứ quân sự tại Subic kể cả khi quân đội Mỹ không hiện diện ở đây.
Trạm hải quân Philippines (phải) ở Vinh Subic. (ảnh: Wikipedia) |
Năm 2014, Philippines và Mỹ thống nhất thoả thuận cho phép quân đội Mỹ đồn trú tạm tại các căn cứ quân sự nước này, trong đó có Vịnh Subic. Tuy nhiên các nhóm thuộc phe cánh tả đặt nghi vấn về tính hợp hiến của thoả thuận trước tòa án tối cao.
Theo ông Gazmin, chính phủ Philippines sẽ sớm bắt đầu việc xây dựng các căn cứ kể cả nếu tòa án ra phán quyết cuối cùng, không cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận khu vực này.
Theo AP, ước tính chi phí sửa chữa và nâng cấp căn cứ quân sự ở Subic bằng một nửa chi phí xây dựng một căn cứ không quân mới do khu phức hợp này đã có đường băng và các cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Vịnh Subic nằm cách thủ đô Manila của Philippines chỉ khoảng 80km về phía tây bắc. Nơi đây từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài cho đến khi nó bị đóng cửa năm 1992. Sự kiện đóng cửa căn cứ ở Vịnh Subic đánh dấu việc Mỹ kết thúc sự hiện diện quân sự kéo dài 1 thế kỷ của nước này ở khu vực.
Vào thời điểm 1995, Trung Quốc bất ngờ chiếm một bãi đá ngầm mà Manila tuyên bố thuộc chủ quyền của mình. Điều này khiến giới nghị sĩ Philippines quyết định phê chuẩn một hiệp định cho phép lực lượng Mỹ quay trở lại tiến hành các cuộc tập trận hàng năm với quân đội Philippines.
Ở thời điểm hiện tại, khi vấn đề tranh chấp Biển Đông ngày càng trở nên nóng bỏng, Philippines một lần nữa khẳng định sẽ gia cố lại các căn cứ quân sự trên Vịnh Subic và tăng ngân sách củng cố năng lực của không quân.
Ngày 6/8 Nhật Bản tuyên bố bàn giao 3 máy bay TC-90 King Air để Philippines tuần tra Biển Đông. Manila cũng ký hợp đồng mua 12 chiếc chiến đấu cơ mới của Seoul và hai chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Những vũ khí mới sẽ được đưa đến triển khai ở ngay Vịnh Subic, Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin cho biết.
Tăng kỷ lục ngân sách quốc phòng
Trong một động thái mới nhất, ngày 17/8, Philippines tuyên bố tăng 25% ngân sách quốc phòng trong năm tới.
Phát biểu trong buổi lễ quân đội tiếp nhận 10 trực thăng mới Bell-412EP, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin khẳng định: “Philippines cần nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Đó là một tiến trình lâu dài và cần có sự kiên trì. Chúng ta sẽ phải tiết kiệm và mua sắm vũ khí mới với giá hợp lý”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines làm lễ đổ rượu Champagne lên một chiếc trực thăng trong lễ tiếp nhận 10 chiếc Bell-412EP. (Ảnh: AP) |
Từ sau khi Tổng thống Benigno Aquino nhậm chức năm 2010, lực lượng vũ trang Philippines nhận được 2 tàu tuần duyên cỡ lớn từ Mỹ và cải tạo nó thành tàu chiến.
Theo Reuters, hồi năm 2014, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg thông báo Washington sẵn sàng cung cấp các trang thiết bị quân sự và viện trợ 50 triệu USD cho Manila. Quân đội Philippines có kế hoạch đầu tư đến 20 tỷ USD trong vòng 13 năm tới để hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang của nước này.
Trước việc Trung Quốc tuần qua tung đoạn video tuyên bố “sẵn sàng cho chiến tranh” khiến dân chúng Philippines phẫn nộ; Manila cũng ra tuyên bố “không nao núng” và quyết tâm theo đuổi tiến trình pháp lý trong tranh chấp Biển Đông.
Truyền thông Philippines ngày 18/8 dẫn lời Phó Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Aigail Valte, nhấn mạnh Manila đã và đang tập trung vào các bước đấu tranh ôn hòa mà điển hình là vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ra Tòa án trọng tài thường trực của Liên hiệp quốc (PAC).
Manila lưu ý đang áp dụng phương thức 3 mặt trận để tìm kiếm giải pháp hòa bình – bao gồm ngoại giao, chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, nước này cũng không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự như một biện pháp dự phòng trong trường hợp thực sự “cần thiết”./.