(kontumtv.vn) – Nếu biết Syria lại có ngày chết chóc, hoang tàn và đói khổ từ 6 năm trước, có lẽ nhiều người đã không ôm mộng về một mùa xuân khi xuống đường biểu tình.
Tháng 3/2011 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử Syria với hàng loạt biến động. Từ các cuộc biểu tình lớn nhất mấy thập niên đã châm ngòi cho biến động chính trị, an ninh và xã hội trong suốt 6 năm qua.
Giấc mộng của người Syria về một mùa xuân khi xuống đường biểu tình giờ lại biến thành cơn ác mộng triền miên trong đổ nát, đói nghèo, chết chóc. Ảnh: Reuters. |
Như những người dân ở nhiều nước Arab khác như Tunisia, Ai Cập, Libya, người dân Syria đã xuống đường biểu tình để thực hiện giấc mộng về một mùa xuân mới.
Nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp hơn, phát triển hơn của họ là chính đáng nhưng họ đã bị lợi dụng và bị kích động để mọi thứ đi quá xa tầm kiểm soát. Từ biểu tình hòa bình dẫn tới các cuộc đụng độ, bạo lực và xung đột để rồi Syria trở thành chiến trường ác liệt ở Trung Đông.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tệ hại nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 với hàng triệu người tràn sang các nước xung quanh và chạy tới châu Âu, các phần tử khủng bố bùng phát.
Khoảng 400.000 người đã thiệt mạng, trong đó có hơn 650 trẻ em đã thiệt mạng vào năm 2016 trong một cuộc nội chiến ở Syria. Đó là chưa kể hàng triệu người phải đi sơ tán, mất nhà cửa và sống trong cảnh hoang tàn, đổ nát.
Tổn thất của việc hủy hoại các di sản ở nước này ước tính lên tới hơn 200 tỉ USD. IMF dự đoán, Syria sẽ cần ít nhất 20 năm với mức tăng trưởng 3%/năm để có thể trở lại với mức thu nhập thấp họ từng có trước chiến tranh và điều này chỉ có thể diễn ra nếu chiến tranh chấm dứt.
Những tổn thất này chắc chắn ngoài sức tưởng tưởng của bất kỳ người dân Syria nào.
Câu hỏi của người dân Syria là bao giờ hết chiến tranh và tương lại sẽ ra sao?
Đây cũng là mối quan tâm của khu vực và cộng đồng quốc tế. Nhưng những gì đang diễn ra giờ đã ngoài tầm tay của người dân Syria.
Tình hình Syria thực sự rất phức tạp với một số vấn đề then chốt như: cuộc chiến chống khủng bố, những kẻ không mong muốn Syria yên bình; phân chia quyền lực giữa các phe phái; sự can thiệp của bên ngoài.
Trong vấn đề quyền lực, cả phe chính phủ và các phe phái đối lập đang bất đồng lớn.
Phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn muốn Syria thực hiện các bước chuyển tiếp chính trị và cụ thể là sự ra đi của Tổng thống Bashar Al-Assad – người đã nắm quyền hơn 15 năm qua.
Tuy nhiên, ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Damascus, người đã từ chức để phản đối cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong vấn đề Syria, cho rằng “chúng ta phải thực tế, ông Assad sẽ không ra đi”.
Còn chuyên gia trong các vấn đề Syria tại Viện Washington về chính sách Cận Đông Andrew Tabler cho rằng, đây là điều không thể. Theo các chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông, trong 6 năm qua, nếu như vào những thời điểm khó khăn nhất là trong năm 2012-2013, chính quyền của Tổng thống Assad vẫn trụ vững thì thời điểm hiện tại càng khó gạt ông ra khỏi bàn cờ chính trị.
Bởi chính quyền Assad với sự hậu thuẫn của Nga, Iran và Phong trào Hezbollah đang giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, cũng như chiếm ưu thế trên thực địa.
Trong cuộc trả lời báo chí phương Tây mới đây về một nền hòa bình cần thực hiện các bước chuyển tiếp chính trị với sự ra đi của mình, Tổng thống Assad nêu rõ “Người dân Syria có quyền lựa chọn người đứng đầu của họ, đồng thời là người chịu trách nhiệm cho bất kỳ cuộc xung đột hay các vấn đề. Việc ở hay đi, tôi chỉ nghe người dân Syria và không quan tâm tới bất kỳ ai khác ngoài Syria”.
Xung đột, bạo lực vẫn tiếp diễn ác liệt tại Syria, bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong giải quyết xung đột. Một lệnh ngừng bắn giữa các phe phái được ký kết từ cuối năm ngoái, nhưng các vi phạm vẫn xảy ra.
Trong khi phe chính phủ và các phe đối lập ngồi vào bàn đàm phán thì tại Damascus các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu vẫn xảy ra khiến hàng trăm người chết và bị thương. Điều này cho thấy, vấn đề an ninh, khủng bố là cuộc chiến ác liệt ở Syria.
Dự luận khu vực cho rằng, vấn đề Syria tiến triển ra sao cần xem quan điểm của chính quyền mới của Mỹ.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm của mình trong cách giải quyết khủng hoảng ở Syria, ngoài tuyên bố ủng hộ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Nhưng chưa chắc chính sách này sẽ giúp chặn đứng cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm nay.
Khó có thể nói về tương lại của Syria khi mà bạo lực, xung đột, và khủng bố vẫn còn. Tổng thống Assad cũng thừa nhận, cuộc chiến còn rất khó khăn và khó có thể nói “tương lai của đất nước tốt hoặc không tốt”.
Cuộc nội chiến chưa có dấu hiệu kết thúc những giấc mộng mùa xuân mà người dân Syria đang thấy là cảnh khổ đau, đổ máu và những phế tích của chiến tranh. Mong muốn về một đất nước ổn định, hòa bình là ước vọng lớn nhất của người dân Syria lúc này./.