(kontumtv.vn) – Nhật Bản và Trung Quốc liên tục “đáp trả” nhau về việc Bắc Kinh đưa 16 giàn khoan dầu khí tới khu vực biển đang tranh chấp giữa 2 nước.

1. Trang Channel News Asia của Singapore ngày 23/7 đưa tin: Nhật Bản và Trung Quốc đang có những động thái đáp trả nhau tại Biển Đông và Hoa Đông. Theo giới chức Tokyo ngày 22/7, Trung Quốc đã đưa 16 giàn khoan dầu khi tới gần biên giới trên biển với Nhật Bản, động thái được cho là để phản đối Sách trắng Quốc phòng 2015 của Nhật Bản, Dự luật an ninh mới cũng như việc Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe lên tiếng về vấn đề căng thẳng Biển Đông.

the gioi 24h: nhat - trung truoc nguy co doi dau o bien hoa dong? hinh 0
Trung Quốc đã đưa 16 giàn khoan dầu khi tới gần biên giới trên biển với Nhật Bản. (ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

Trong Sách trắng Quốc phòng 2015, Chính phủ Nhật cũng công bố hình ảnh vị trí của các giàn khoan được chụp từ trên cao. Theo đó có tới 12 công trình ngoài khơi, là bằng chứng rõ nét cho thấy Bắc Kinh đơn phương khai thác dầu và khí đốt ở khu vực tranh chấp giữa 2 nước trên biển Hoa Đông.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết những hình ảnh mới cho thấy “tổng số công trình Trung Quốc lắp đặt ở vùng biển tranh chấp trong vòng 2 năm qua đã lên tới con số 16”.

Đáp lại, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng: “Việc Nhật Bản công bố hình ảnh vị trí cácgiàn khoan ở khu vực biển Hoa Đông là hành động khiêu khích, không mang tính xây dựng, thậm chí cản trở nỗ lực đối thoại song phương”.

2.Hàng nghìn người Kiev ủng hộ phe Cực hữu ngày 22/7 biểu tình đòi Tổng thống Ukraine phải từ chức, đồng thời đẩy mạnh tấn công lực lượng miền Đông.

Vụ đọ súng trên phố ngày 11/7 giữa những thành viên phe Cực hữu (Right Sector) và cảnh sát thị trấn Mukacheve, Ukraine được cho là chất xúc tác thúc đẩy những bất ổn tiềm tàng ở khu vực miền Tây, cụ thể giữa những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan với Chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko.

Theo Sputnik, căng thẳng càng lên cao sau khi Tổng thống Poroshenko ra lệnh cho các cơ quan an ninh và cảnh sát nước này phải tước vũ khí của các “nhóm bất hợp pháp”. Tuyên bố này thổi bùng nỗi tức giận của phe Cực hữu, khiến thủ lĩnh của tổ chức Dmitry Yarosh nói rằng, ông Poroshenko không còn phù hợp với vai trò là lãnh đạo đất nước.

Theo các chuyên gia, các thành viên Right Sector có vũ khí và đang thách thức chính quyền Kiev, đẩy cuộc khủng hoảng Ukraine ở cả miền Đông và miền Tây vào thế ngày càng bế tắc.

3. Quốc hội Hy Lạp sáng nay (23/7) vừa thông qua gói cứu trợ cải cách thứ 2 để giúp nước này nhận được các khoản cứu trợ quốc tế. Dự luật bao gồm các cải cách pháp lý và ngân hàng, đã nhận được sự ủng hộ của hơn 200 nghị sĩ trong quốc hội 300 ghế.

Cuộc bỏ phiếu lần này được coi là phép thử tiếp theo của chính quyền Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sau  những lục đục nội bộ trong đảng cầm quyền tại cuộc bỏ phiếu lần 1. Khi đó, ông Tsipras phải dựa vào số phiếu ủng hộ của các nghị sĩ đối lập để thông qua dự luật đầu tiên.

Giới phân tích cho rằng, cuộc bỏ phiếu vòng 2 này cũng là một phép thử quan trọng về việc liệu ông Tsipras có tiếp tục phải chứng kiến sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ đảng sau quyết định cải tổ chính phủ.

Xem thêm: Thủ tướng Hy Lạp đối mặt với những thách thức “khó nhằn”

4. Myanmar mạnh tay xử hơn 150 lâm tặc Trung Quốc tù “mọt gông”. Một tòa án ở miền bắc Myanmar vừa kết án tù chung thân đối với 153 công dân Trung Quốc vì tội đốn gỗ bất hợp pháp. Nhóm này bị bắt ở bang Kachin (Myanmar) sát biên giới Trung Quốc vào tháng 1/2015, khi quân đội Myanmar mở một chiến dịch trấn án lâm tặc.

Ngoài số lâm tặc nhận án chung thân còn có hai nam thanh niên 17 tuổi bị xử tù 10 năm. Riêng một phụ nữ trong nhóm bị phạt thêm 15 năm tù do sở hữu ma túy. Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về mức độ nghiêm khắc của các bản án này.

the gioi 24h: nhat - trung truoc nguy co doi dau o bien hoa dong? hinh 2
Myanmar cấm xuất khẩu gỗ thô nhằm bảo về các cánh rừng còn lại. (Ảnh: Getty)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết Trung Quốc thường đưa ra vấn đề này với Myanmar kể từ khi nhóm lâm tặc bị bắt giữ. Trung Quốc cho rằng nhóm này bị lừa đi đốn gỗ bất hợp pháp.

5. Giám đốc FBI cho rằng nhóm khủng bố IS đang đạt nhiều bước tiến và tạo cho Mỹ mối đe dọa lớn hơn cả mối đe dọa từ al-Qaeda.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hôm qua (22/7) cho biết, những nỗ lực của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) truyền bá tư tưởng cực đoan cho người dân Mỹ thực hiện các vụ tấn công trong nước, đang trở thành mối đe dọa khủng bố với Mỹ hơn là một vụ tấn công bên ngoài của al-Qaeda.

Theo ông Comey, nhóm IS đang đạt được nhiều bước tiến trong những tháng gần đây, sau chiến dịch truyền thông xã hội kéo dài một năm để truyền bá tư tưởng cực đoan cho những người châu Âu và Mỹ đang có tư tưởng bất mãn.

Ông Comey cho biết, FBI đã bắt giữ một số người có tư tưởng cực đoan trong 8 tuần qua và đang tiến hành thêm nhiều cuộc điều tra.

Nhận định của người đứng đầu Cục điều tra Liên bang Mỹ đang làm sâu sắc thêm lo ngại về những tác động của tư tưởng bạo lực khủng bố mà IS đang  thực hiện tại Mỹ và châu Âu./.

Ngân Giang/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *