(kontumtv.vn) – Tổng thống Iran tái đắc cử, Pháp có nội các mới trẻ và “sạch” trong khi Tổng thống Mỹ Trump để các bê bối cũ “dậu đổ bìm leo” khắp Nhà Trắng.
1. Tổng thống Mỹ Donald Trump có một tuần đầy rắc rối
Ngày 15/5, báo chí Mỹ loan tin ông Trump đã “lỡ miệng” lộ tin tuyệt mật cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak trong cuộc gặp mới đây ngay tại Nhà Trắng. Đáng nói là cuộc gặp kín này trước đó đã “gây bão” dư luận vì cho cánh phóng viên Mỹ “ra rìa” trong khi để lọt truyền thông Nga vào.
Chính phủ Mỹ bác bỏ thông tin trên nhưng sau đó, truyền thông Mỹ lại rò rỉ bản ghi nhớ của cựu Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, trong đó cho biết Tổng thống Trump từng đề nghị ông dừng điều tra Tướng Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia bị sa thải vì có quan hệ mập mờ với Nga.
Áp lực đối với ông Trump lên đến đỉnh điểm khi Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Texas Al Green kêu gọi Quốc hội luận tội Tổng thống Donald Trump vì đã “cản trở công lý”.
Trước tình hình này, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 17/5 đã chỉ định ông Robert Mueller, một cựu giám đôc FBI, làm cố vấn đặc biệt nhằm giám sát cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Trump.
Dư luận Mỹ nhìn chung hoan nghênh quyết định bổ nhiệm này bởi ông Mueller là người nổi tiếng liêm minh, chính trực và có uy tín lớn trong giới thực thi pháp luật Mỹ. Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng ông Mueller có thể trả lại sự trong sạch cho mình song lấy làm tiếc rằng việc phải chỉ định một cố vấn độc lập điều tra cáo buộc liên quan đến Nga cho thấy một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc.
2. Tổng thống Donald Trump lần đầu công du nước ngoài
Tạm gác những bộn bề trong nước, ngày 20/5, Tổng thống Donald Trump đặt chân đến Saudi Arabia, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau đúng 4 tháng cầm quyền nhiều trắc trở.
Quan chức chính quyền Mỹ tin rằng động thái bất ngờ thăm Saudi Arabia đầu tiên sẽ nêu bật được cam kết nghiêm túc của nước Mỹ đối với cuộc chiến chống khủng bố. Sau đó, ông Trump sẽ thăm Israel, Tòa thánh Vatican, đến Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuối cùng là dừng chân tại Sicily (Italy) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).
Chuyến đi được cho là mang đậm tính biểu tượng tôn giáo khi ông Trump dự kiến thăm nơi khai sinh ra đạo Hồi, quê hương của Do thái giáo và Tòa thánh Vatican. Quan chức Mỹ khẳng định thông điệp xuyên suốt chuyến đi là “sự đoàn kết”.
3. Pháp có Nội các mới trẻ, gọn, và “sạch”
Ngày 17/5, Tổng thống và Thủ tướng Pháp đã công bố thành phần chính phủ mới gồm 23 Bộ trưởng, Quốc vụ khanh và Thủ tướng, bộ máy gọn nhẹ thứ hai trong lịch sử nền cộng hòa thứ năm của Pháp, chỉ sau chính phủ thời cựu Thủ tướng Fillon (21 thành viên). Trong đó, Thủ tướng Edouard Philippe, dù theo Đảng Cộng hòa trung hữu, khác đảng Tiến bước của ông Macron, vẫn được đánh giá là mảnh ghép hoàn hảo cho tân Tổng thống Pháp.
Với tuổi trung bình của các bộ trưởng là 54, chính phủ mới của Pháp cũng được đánh giá là khá trẻ, trong đó có 3 bộ trưởng dưới 40. Dù chỉ tồn tại ngắn ngày đến cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6 tới, song chính phủ mới thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Pháp và thế giới bởi giúp mường tượng và định hình chiến lược điều hành đất nước của tân Tổng thống Macron.
4. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái đắc cử
Ngày 20/5, truyền hình Iran đưa tin ông Hassan Rouhani đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra trước đó một ngày và tiếp tục giữ cương vị Tổng thống Iran thêm một nhiệm kỳ. Ông Hassan Rouhani chiến thắng với số phiếu áp đảo 58,6% so với 39,6% của đối thủ chính Ebrahim Raisi – giáo sĩ theo đường lối bảo thủ.
Tổng thống Rouhani được biết đến là người theo đường lối cải cách, mở cửa, có quan điểm hàn gắn quan hệ với Mỹ và phương Tây. Việc Iran ký kết Thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc vào năm 2015 được coi là một thành tựu lớn của ông trong nhiệm kỳ vừa qua. Việc tái đắc cử sẽ tạo điều kiện để ông Rouhani có cơ hội tiếp tục tiến hành những dự định cải cách của ông nhằm đưa Iran hội nhập với thế giới.
5. Mã độc WannaCry tấn công mạng toàn cầu
Vụ tấn công bằng mã độc WannaCry trong tuần qua đã ảnh hưởng đến hơn 300.000 máy tính ở 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chịu hậu quả nặng nề nhất là Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Ukraine, Ấn Độ…
Các nhà nghiên cứu cho rằng vụ tấn công lợi dụng công cụ đánh cắp thông tin do chính Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tạo ra và bị rò rỉ trên mạng hồi tháng 4/2017.
Trong khi đó, 2 công ty phần mềm diệt virus máy tính Symantec (Mỹ) và Kaspersky (Nga) cho biết, một số đoạn mã trong những phiên bản ban đầu của phần mềm WannaCry cũng đã xuất hiện trong các chương trình được sử dụng bởi Lazarus, một nhóm được các nhà nghiên cứu từ nhiều công ty phần mềm bảo mật xác định là tổ chức tin tặc có liên quan đến Triều Tiên.
Tuy nhiên, ngày 19/5, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong phản bác rằng sẽ là “khôi hài” nếu liên hệ Triều Tiên với vụ tấn công mạng toàn cầu tuần qua.
Nhiều nước đã cảnh báo nguy cơ xảy ra “làn sóng tấn công mạng toàn cầu thứ 2” trong khi ngày 17/5, Trung Quốc thông báo đã phát hiện mã độc tống tiền mới với tên gọi “UIWIX”.
6. HĐBA LHQ tiếp tục bất đồng về Triều Tiên, Mỹ – Triều có động thái mới
Cuộc họp cuộc họp khẩn kéo dài gần 2 giờ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 16/5 về vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 14/5 đã không đạt được kết quả cụ thể nào dù các nước thành viên HĐBA trước đó đã nhất trí ra thông cáo chung lên án hành động này của Bình Nhưỡng.
Tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất tầm trung và xa có tên Hwasong-12 mà Triều Tiên vừa phóng thử sáng 14/5 được cho là có tầm bắn “chưa từng thấy”, có thể bao quát các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nó đã bay đến độ cao 2.111,5km và xa 787km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, ngày 19/5 Triều Tiên bất ngờ đặt điều kiện đối thoại với Mỹ là Washington phải rút lại các chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng tìm cách giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên khi khẳng định Mỹ đang tích cực hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Triều Tiên. Ông Mattis cho rằng bất kỳ giải pháp quân sự nào đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên sẽ là “thảm họa trên quy mô không thể tin nổi”.
7. Nội các Nhật thông qua dự luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị
Chính phủ Nhật Bản ngày 19/5 đã phê chuẩn dự luật chấp thuận việc Nhật hoàng Akihito có thể thoái vị và nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Naruhito. Dự luật sẽ được trình Quốc hội Nhật Bản và dự kiến có hiệu lực ngay trong tháng 6/2017.
Tuy nhiên, theo qui định của dự luật, Nhật hoàng Akihito có thể chọn bất cứ ngày nào trong vòng 3 năm kể từ ngày công bố luật trên để chính thức thoái vị. Điều 2 của dự luật cũng qui định, ngày Nhật hoàng Akihito thoái vị cũng là ngày Hoàng Thái Tử sẽ chính thức được nhận tước vị Nhật hoàng. Tước hiệu của Nhật hoàng Akihito sau khi thoái vị sẽ được gọi là “Thượng hoàng”./.