(kontumtv.vn) – Mỹ khẳng định đưa tàu vào các đảo nhân tạo ở Biển Đông là để “duy trì tự do hàng hải”, nhưng Trung Quốc lại cáo buộc đây là “hành vi khiêu khích”.

1. Hải quân Mỹ dự tính sẽ tiến hành các chiến dịch nhằm đảm bảo “tự do hàng hải” bằng cách đưa các tàu của mình vào trong khu vực 12 hải lý mà Trung Quốc áp đặt chủ quyền đối với các đảo nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 0
Các tàu thuộc hạm đội 7 của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương. Ảnh Wikipedia

Các quan chức Mỹ và châu Á chia sẻ trên tờ New York Times rằng, các đồng minh của Mỹ đều được thông báo về các chiến dịch nói trên, trong đó có việc tàu Hải quân Mỹsẽ áp sát ít nhất một trong số các đảo mà Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các công trình quân sự ở Biển Đông.

Ông Daniel Kritenbrink, tân Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tiết lộ rằng, kế hoạch nói trên đã được Chính phủ Mỹ “bật đèn xanh”.

Đáp lại những tuyên bố trên, truyền thông Trung Quốc ngày 15/10 đã đồng loạt công kích Mỹ dữ dội vì những điều mà họ gọi là “các động thái khiêu khích” ở Biển Đông.

Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu đã lên án cái mà họ gọi là “các khiêu khích liên tục và sự cưỡng bách” của Washington.

Bài báo nói rằng “Trung Quốc không được dung thứ các kiểu vi phạm của Mỹ đối với vùng biển lân cận của Trung Quốc cũng như bầu trời trên các đảo mở rộng đó”.

Bài báo nhắc nhở thêm rằng quân đội Trung Quốc nên “sẵn sàng tung ra đối sách tùy theo mức độ khiêu khích của Washington”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng động thái này của người Mỹ là một “sự vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Tờ báo dọa Mỹ như sau: “Nếu Mỹ xâm phạm các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ đứng lên và dùng vũ lực để chặn đứng điều đó”.

2. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga – Mỹ sẽ sớm ký bản ghi nhớ về an toàn bay tại Syria sau khi các bên đã thống nhất về tất cả các vấn đề kỹ thuật cần thiết.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 2
Máy bay Su-34 của Nga xuất kích. Ảnh: Ausairpower

“Tất cả các vấn đề kỹ thuật đã được thoả thuận, hiện các nhà làm luật của Nga và Mỹ đang tiến hành kiểm tra chéo các văn bản của bản ghi nhớ này”, người đứng đầu Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Andrei Kartapolov cho biết tại một cuộc họp báo ngày 16/10.

Theo ông Kartapolov, bản ghi nhớ về an toàn bay tại Syria sẽ có chữ ký của Moscow và Washington “trong tương lai rất gần”.

“Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc tránh các tai nạn đáng tiếc trên không phận Syria khi cả Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu hiện đều tiến hành các cuộc không kích chống IS”, ông Kartapolov nhấn mạnh.

Ông Kartapolov cũng nhắc lại rằng, Moscow sẵn sàng mở rộng hợp tác nhằm tránh xung đột trên bầu trời Syria với Mỹ và tất cả các bên có liên quan khác.

3. Máy bay MH17 đã bị một tên lửa phóng từ Zaroschenskoye, khu vực do quân Chính phủ Ukraine kiểm soát ở Miền Đông, bắn hạ.

Kết luận trên được đưa ra trong báo cáo điều tra của Tập đoàn Almaz-Antey công bố ngày 13/10.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 4
Những mảnh vỡ còn sót lại của chiếc Boeng 777 bị bắn rơi hôm 17/7/2014 được đưa về Hà Lan để phục dựng. Ảnh Reuters

Ông Mikhail Malyshevsky, Cố vấn cho các kỹ sư hàng đầu về sản xuất hệ thống tên lửa Buk tại tập đoàn Almaz-Antey nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, nếu máy bay Boeing bị một quả tên lửa Buk bắn hạ thì quả tên lửa này phải là loại 9M38 được phóng từ khu vực Zaroschenskoye ở miền Đông Ukraine”.

Theo ông Malyshevsky, những quả tên lửa cuối cùng thuộc loại này được Liên Xô chế tạo từ năm 1986 và đã bị Nga tiêu hủy hết vào năm 2011 bởi thời hạn sử dụng tên lửa này là 25 năm kể từ khi sản xuất (tính cả những đợt gia hạn).

CEO của Almaz-Amtey Yan Novikov cho biết, Tập đoàn này đã phải sử dụng các máy bay Il-86 và tên lửa 9M38M1 trong các cuộc thí nghiệm về vụ MH17 bị bắn rơi.

“Chúng tôi đã phải thực hiện thí nghiệm 2 lần với các điều kiện hoàn toàn tương tự với điều kiện thực tế đến. Do không có máy bay Boeing-777, chúng tôi đã dùng Il-86- loại máy bay có phần thân và các chi tiết khác giống với Boeing-777 để thí nghiệm. Cuộc thí nghiệm cuối cùng được tiến hành vào ngày 7/10”, ông Novikov nói.

Trong khi đó, theo báo cáo cuối cùng của Ban An toàn Hà Lan đưa ra vài giờ sau đó, máy bay Malaysia MH17 đã rơi do trúng tên lửa do Nga sản xuất. Mảnh tên lửa găm trong thi thể phi công.

Các nhà điều tra cho biết, quả tên lửa đất đối không Buk nổ cách buồng lái máy bay chưa đầy 1m và các mảnh vỡ từ tên lửa đã được tìm thấy bên trong thi thể 3 thành viên phi hành đoàn có mặt trong buồng lái.

Tên lửa tác động vào mặt trước phía trái của máy bay, khiến cho một phần của máy bay bị vỡ ra.

4. Tối 13/10 (theo giờ Mỹ), 5 ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ đã bước vào cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Tâm điểm chính tại cuộc đối đầu ở LasVegas chính là ứng viên – cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Ông Sanders được xem là đối thủ mạnh nhất của bà Clinton trong nội bộ Đảng, chiếm tỷ lệ ủng hộ khoảng 25% theo khảo sát mới nhất của Reuters.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 7
Ông Bernie Sanders và bà Hillary Clinton được cho là tâm điểm của cuộc tranh luận lần này trong khi 3 ứng viên còn lại thể hiện một cách mờ nhạt. Ảnh Reuters

Trong khi đó, ba ứng viên còn lại rất khó khăn để kiếm được dù chỉ 1% phiếu ủng hộ.

Theo giới quan sát, trái ngược với Đảng Cộng hòa, các ứng viên Đảng Đân chủ không dành nhiều thời gian để công kích nhau mà họ coi đây là diễn đàn để nói về chính sách cũng như làm sắc nét hơn cương lĩnh tranh cử của mình.

Phó Tổng thống Joe Biden tuy không tham gia cuộc tranh luận lần này song vẫn để ngỏ khả năng sẽ chạy đua vào Nhà Trắng. Một cuộc điều tra của Reuters mới đây cho thấy 48% cử tri Đảng Dân chủ muốn ông Biden ra tranh cử để thi đấu với bà Clinton.

Kênh truyền hình CNN cũng công bố khảo sát mới đây cho thấy, mặc dù vướng vào bê bối thư điện tử khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ, ứng cử viên Clinton đến nay vẫn giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất gần 50 %, tiếp sau là Thượng nghị sĩ Sanders  ( 32%) và đứng thứ 3 là Phó Tổng thống Joe Biden 17%.

5.  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 17/10 đã tiến hành một cuộc họp khẩn trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine tại khu Bờ Tây khiến nhiều người thiệt mạng. Cuộc họp đã trở thành một cuộc tranh luận gay gắt giữa Israel và Palestine tại Liên Hợp Quốc.

Dù không phải là thành viên của Hội đồng Bảo an song chủ đề chính của cuộc thảo luận tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại là xung đột gia tăng giữa Israel và Palestine nên cả hai bên đã được mời tham dự cuộc họp. Hai bên đã liên tục đổ lỗi cho nhau trước tình hình bạo lực gia tăng.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 9
Lực lượng an ninh Israel lập các chốt kiểm tra tại các khu phố cổ ở Jerusalem. Ảnh: AFP

Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour đã lên án các vụ tấn công của Israel nhằm vào người dân Palestine, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an nhanh chóng can thiệp nhằm chấm dứt cái mà Palestine gọi là sự hung hăng của Israel nhằm vào người Palestine.

Theo ông Mansour, Hội đồng Bảo an cần cân nhắc triển khai một lực lượng quốc tế tới khu vực đền thờ al-Aqsa, nơi khởi nguồn của những xung đột giữa Palestine và Israel thời gian qua, để bảo vệ các tín đồ Palestine khi cầu nguyện ở đây.

Ông Mansour nói: “Trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế là phải bảo vệ người dân Palestine trên các khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem cho đến khi hành vi chiếm đóng chấm dứt trên lãnh thổ Palestine.”

Về phía Israel, Đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc Danny Danon cũng chỉ trích các hành vi bạo lực nhằm vào người Israel trong thời gian qua.

Ông Danon cũng bác bỏ lời kêu gọi của Palestine về việc triển khai một lực lượng quốc tế tới đền thờ al-Aqsa tại khu vực Núi Đền, cho rằng để mọi thứ theo đúng hiện trạng là cách duy nhất để đảm bảo sự ổn định của khu vực.

“Israel sẽ không đồng ý với bất cứ sự hiện diện quốc tế nào tại khu vực Núi Đền. Bất cứ sự can thiệp nào tại đây cũng đều vi phạm nguyên trạng đã có từ hàng thập kỷ nay”, ông Danon nói.

6.  Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/10 thông báo quyết định sẽ duy trì 9.800 binh sĩ Mỹ đang có mặt tại Afghanistan cho đến gần hết năm 2016.

Ông Obama nói rằng quân đội Afghanistan vẫn chưa có đủ sức mạnh cần thiết và quyết định này của Mỹ sẽ cho Taliban thấy rằng con đường duy nhất để Mỹ rút quân hoàn toàn là đạt được thỏa thuận hòa giải với Chính phủ Afghanistan.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 11
Lính Mỹ tại Afghanistan. (Ảnh: Lục quân Mỹ)

Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng cùng với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford và Phó Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Obama nhấn mạnh, sứ mệnh của quân đội Mỹ tại Afghanistan sẽ đóng vai trò sống còn cho an ninh quốc gia Mỹ.

“Tại một số khu vực quan trọng của Afghanistan, tình hình an ninh vẫn hết sức tồi tệ và tại một số khu vực khác tình hình đang ngày càng xấu đi. Nhiệm vụ của binh sĩ Mỹ tại Afghanistan sẽ không thay đổi.

Việc duy trì số binh sĩ Mỹ hiện có tại Afghanistan trong năm tới thay vì rút đi nhanh chóng sẽ cho phép chúng ta tiếp tục nỗ lực huấn luyện và hỗ trợ lực lượng Afghanistan để họ vững mạnh hơn. Tôi tin tưởng rằng sứ mệnh này là yếu tố sống còn với an ninh quốc gia Mỹ, để ngăn chặn khủng bố tấn công nhằm vào nước Mỹ hay công dân Mỹ”, ông Obama nói.

Như vậy theo quyết định này, Tổng thống Obama sẽ duy trì 5.500 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan khi ông rời nhiệm sở vào năm 2017. Ông Obama sẽ lùi thời hạn kết thúc sự tham chiến của Mỹ ở Afghanistan và chuyển giao vấn đề này cho Tổng thống Mỹ kế nhiệm.

7. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, Mỹ và Hàn Quốc vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên và nước này có thể rút ra kinh nghiệm từ trường hợp Iran.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 17/10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: Hai bên đã đề cập tới việc nối lại tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bị đình trệ từ tháng 12/2008.

the gioi 7 ngay: my- trung bat dong ve du dinh cua my o bien dong hinh 13
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: HuffingtonPost

Ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ “đến ngay bàn đàm phán” nếu Triều Tiên mong muốn có cuộc đối thoại nghiêm túc về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Ông Obama đã thúc giục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, cho rằng việc tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân sẽ làm cho Triều Tiên “bị cô lập thêm” và không đạt được sự phát triển kinh tế. Theo ông Obama , cách xử lý vấn đề hạt nhân Iran đã cung cấp kinh nghiệm cho khu vực Đông Bắc Á.

Về phần mình, bà Park Geun-hye cho biết các cuộc gặp song phương gần đây giữa Hàn Quốc – Trung Quốc, Mỹ – Trung Quốc và Hàn Quốc – Mỹ đã tập trung thảo luận vào việc kiến tạo sự đồng thuận về vấn đề Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

“Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác và tham vấn với các đối tác khác trong đàm phán 6 bên liên quan nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Triều Tiên cần thể hiện sự thiện chí sẵn sàng hướng đến việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi khẳng định Hàn Quốc và Mỹ cùng với cộng đồng quốc tế sẵn sàng mở rộng hợp tác với Triều Tiên”.

Trần Khánh/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *