(kontumtv.vn) – Hành động đơn phương của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam (Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp)

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 5h22’ ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5/2014, giàn khoan Hải Dương-981 được thả trôi tại tọa độ 15o29’55’’ vĩ Bắc – 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng.

Các tàu của Trung Quốc bao gồm tàu quân sự đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật, tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về người và tài sản.

Trước những động thái đơn phương của Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông, trong những ngày qua, dư luận quốc tế cực lực lên án hành động này.

Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, một nhóm các Thượng nghị sĩ cấp cao của Mỹ, có ảnh hưởng lớn tại Quốc hội Mỹ đã gọi các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là rất đáng lo ngại và hối thúc Thượng viện thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đối với giải pháp ngoại giao trong các tranh chấp biển và lãnh thổ hiện nay.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thì cho rằng: “Trung Quốc cần phải giải thích rõ cơ sở pháp lý cũng như chi tiết những hoạt động họ đang thực hiện với phía Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là một vấn đề cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm, những tranh chấp ở khu vực này cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại”.

Ông Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ

Bên cạnh sự phản đối của dư luận quốc tế, hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng được các học giả quốc tế xem là một sự vi phạm trắng trợn các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Ông Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, tổ chức nghiên cứu số 1 thế giới về an ninh và các vấn đề quốc tế cho rằng: Trung Quốc vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài.

Trong khi đó, Giáo sư, tiến sỹ khoa học lịch sử Dmitri Mosyakov – lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á- châu Úc và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương – Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga thì cho rằng, việc đưa giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 ra khu vực tranh chấp dưới chiêu bài “hoạt động nghiên cứu dầu khí” là một bước tiếp theo trong chiến lược dần khẳng định chủ quyền của mình tại các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế.

GS.TS Jonathan London, chuyên gia Việt Nam và phát triển học ở Đông Nam Á, trường Đại học thành phố Hongkong (Trung Quốc) cho rằng: Việc đưa một giàn khoan trị giá 1 tỷ USD từ một nơi rất xa vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dường như mang nhiều động cơ chính trị hơn là một hành động thuần tuý về mục đích kinh tế. Hành động này của Trung Quốc được nhiều người cho là rất nghiêm trọng và vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo nhiều học giả, với những tuyên bố độc chiếm Biển Đông và những hành động đơn phương gây căng thẳng tại khu vực này trong thời gian qua, Trung Quốc đã phá hủy thiện chí mà họ xây dựng tại Đông Nam Á, đẩy các quốc gia láng giềng gần gũi nhất ngày một rời xa, tự tạo nên hình ảnh của một kẻ phá đám trong hệ thống quốc tế, hoàn toàn không thể trở thành một cường quốc đang nổi có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 (Ảnh: Đức Tám)

Hành động làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là một trong những trọng tâm thảo luận chính tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 được tổ chức tại Myanmar.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông – mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hành động đơn phương của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Thủ tướng cũng đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử (COC).Chia sẻ quan điểm của Việt Nam, lãnh đạo các nước ASEAN bày tỏ lo ngại sâu sắc về những vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; đồng thời yêu cầu phải triệt để tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), trong đó phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và không được có hành động làm phức tạp tình hình; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Một cuộc biểu tình ủng hộ bà Yingluck của phe Áo đỏ (Ảnh AP)

Ngày 7/5, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã bị tòa án Hiến pháp Thái Lan phán quyết bãi nhiệm chức Thủ tướng trong vụ kiện bà Yingluck thuyên chuyển Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thawil Pliensri. Tòa cho rằng, bà Yingluck đã không công tâm và tìm kiếm những lợi ích cá nhân khi thực hiện vụ thuyên chuyển này.

Sau phán quyết bãi nhiệm bà Yingluck, chính trường Thái Lan đang đứng trước nguy cơ bùng phát xung đột giữa hai phe ủng hộ và phản đối chính quyền hiện nay.

Ông Jatuporn, Chủ tịch Mặt trận dân chủ chống độc tài (tức phe áo đỏ) cho rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp chẳng khác gì một cuộc đảo chính “trá hình”. Do đó, phe áo đỏ sẽ nổi dậy trên toàn quốc để đấu tranh chống đảo chính.

Ngày 8/5, cảnh sát Thái Lan cho biết, nhà của 1 thẩm phán bị ném lựu đạn, một ngày sau khi Tòa án Thái Lan tuyên bố bãi nhiệm Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Căng thẳng gia tăng khi ngày 11/5, hai kẻ lạ mặt đã ném lựu đạn vào những người biểu tình chống Chính phủ bên ngoài văn phòng Thủ tướng khiến 2 người bị thương nhẹ

Các nhà phân tích cho rằng, xung đột có thể xảy ra vào cuối tuần này khi những người ủng hộ và phản đối chính phủ đang tập trung về thủ đô Bangkok, làm gia tăng bầu không khí căng thẳng và cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc tại nước này.

Người dân Donetsk tuần hành trước ngày trưng cầu ý dân (Ảnh RT)

Ngày hôm nay (11/5), các khu vực Donetsk và Lugansk, phía Đông Ukraine sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý bất chấp việc Nga kêu gọi ngừng việc này lại trong khi cả Pháp và Đức đều cho rằng cuộc trưng cầu này là vi phạm pháp luật.

Trước đó, trong một nỗ lực giải quyết nguyện vọng cấp thiết của các khu vực, chính quyền lâm thời Ukraine đã đưa ra sáng kiến tổ chức “hội nghị bàn tròn thống nhất dân tộc“. Sáng kiến được Nga, Mỹ ủng hộ và kêu gọi các bên nhanh chóng thực hiện.

Theo giới quan sát, tình hình miền Đông Nam Ukraine dự báo còn diễn biến phức tạp khi mà người biểu tình ở Donetsk và Luhansk kiên quyết thúc đẩy cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 11/5, bất chấp chiến dịch quân sự của chính quyền lâm thời cũng như việc Nga kêu gọi hoãn kế hoạch này.

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn kênh CNN ngày 8/5, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrei Deshchytsia cho biết, Chính phủ lâm thời Ukraine sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống ngày 25/5 như dự kiến trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine, ngay cả khi những người ủng hộ liên bang hóa đất nước ở miền Đông Nam nước này tổ chức trưng cầu dân ý.

Toàn cảnh lễ diễu binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ (Ảnh: Ria Novosti)

Ngày 9/5, Nga đã tổ chức lễ diễu binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 69 năm ngày Chiến thắng phát xít. Cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm nay được coi là hoành tráng nhất với rất nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Chúng tôi xin được kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm những người đã hy sinh, trước những người đã không còn cùng chúng ta trong ngày hôm nay. Chúng tôi xin cảm ơn các vị cựu chiến binh, chúng tôi tự hào về các vị”.

Năm nay, sự chú ý của người dân sẽ còn dành cho cuộc diễu binh lịch sử, lần đầu tiên được tổ chức hoành tráng cả ở bán đảo Crimea, tại thành phố Sevastopol. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thành phố Sevastopol của Crimea để tham dự lễ diễu hành kỷ niệm Ngày chiến thắng Phát xít.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng Phát xít tại Sevastopol, ông Putin nhấn mạnh: “Sevastopol và Crimea đã trở về với nước Nga. Điều này mang lại giá trị to lớn về tính thống nhất, công bằng và tình đoàn kết. Các bạn đã dạy cho chúng tôi hành động theo lương tâm của mình. Nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên ở Sevastopol luôn hành động theo những giá trị đó. Tôi chắc rằng năm 2014 này sẽ đi vào lịch sử của thành phố cũng như của cả đất nước chúng ta. Đó là năm mà người dân Sevastopol đã quyết định gắn kết với nước Nga”.

Tuy nhiên, cả Mỹ và châu Âu đã tố cáo chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga tới Crimea sau khi khu vực này sáp nhập vào Nga tháng 3/2014 là một hành động “khiêu khích”./.

Nguyễn Hùng/VOV online 
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *