(kontumtv.vn) – Cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất giữa hai ứng viên phó tổng thống Mỹ và lễ công bố người chiến thắng các giải Nobel năm nay là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất giữa các “phó tướng”

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (phải) và ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Kamala Harris (trái) tại cuộc tranh luận trực tiếp ở thành phố Salt Lake, bang Utah. Ảnh: AFP/TTXVN

Dư luận nước Mỹ trong tuần qua đã đổ dồn sự chú ý về cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cũng như khả năng tổ chức cuộc tranh luận tổng thống thứ hai trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

8h sáng 8/10 (giờ Việt Nam), Phó Tổng thống Mike Pence và ứng viên tranh cử liên danh của đảng Dân chủ là bà Kamala Harris đã bắt đầu cuộc tranh luận được tổ chức tại trường Đại học Utah, thành phố Salt Lake thuộc bang Utah. Sự kiện này đánh một dấu mốc lịch sử khi bà Harris trở thành phụ nữ da màu đầu tiên và là người phụ nữ gốc Á đầu tiên tham gia vào một cuộc tranh luận trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Phó Tổng thống diễn ra trong khoảng thời gian 90 phút, không có nghỉ giải lao. Để đảm bảo khoảng cách an toàn tránh sư lây lan của COVID-19, tại cuộc tranh luận này, Phó Tổng thống Mike Pence và Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris ngồi tranh luận và được ngăn cách bằng kính chắn và cách nhau tới 3,6m.

Trong màn đối đầu 90 phút, ông Pence và bà Harris đã tranh luận về các chủ đề COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Tòa án Tối cao và một số vấn đề khác.

Trong khi ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Harris chỉ trích sự thất bại của chính quyền đương nhiệm trong việc ngăn chặn và xử lý cuộc khủng hoảng y tế thì Phó Tổng thống Pence đã lên tiếng bảo vệ cách thức đối phó với dịch bệnh COVID-19 của Tổng thống Donald Trump. Hai ứng cử viên cũng tranh luận khá gay gắt về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Theo dữ liệu do Nielsen công bố ngày 8/10, gần 58 triệu người theo dõi cuộc tranh luận giữa Phó tổng thống Pence và đối thủ đảng Dân chủ Harris, cao thứ hai từ trước đến nay đối với các cuộc tranh luận của ứng viên phó tổng thống trong lịch sử. Cùng ngày, kết quả một cuộc thăm dò dư luận được CNN/SRSS thực hiện cho thấy gần 60% số cử tri theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp nhận định bà Harris vượt trội ông Pence.

Về phần Tổng thống Trump, đầu tuần này, nhà lãnh đạo Mỹ đã xuất viện sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện quân y Walter Reed và trở về Nhà Trắng. Ngày 8/10, bác sĩ của Nhà Trắng, ông Sean Conley thông báo Tổng thống Trump đã hoàn thành liệu trình điều trị COVID-19 với sức khỏe ổn định và có thể nối lại “các cuộc giao thiệp công khai” từ ngày 10/10.

Sau tranh cãi về việc đổi hình thức cuộc tranh luận tổng thống thứ hai từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn tới sự phản đối gay gắt của Tổng thống Trump, Ủy ban Tranh luận Tổng thống (CPD) ngày 9/10 thông báo sẽ hủy cuộc tranh luận này và chuyển sang chuẩn bị cho cuộc tranh luận cuối cùng vào ngày 22/10.

Chủ nhân các giải thưởng Nobel lộ diện

Chú thích ảnh
Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người tị nạn Nam Sudan ở bang Bắc Kordofan, Sudan tháng 5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua là lễ công bố giải thưởng Nobel uy tín trên các lĩnh vực, bao gồm Y học, Vật Lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình.

 

Nổi bật trong số những người chiến thắng là chủ nhân giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy ngày 9/10 tuyên bố giải Nobel Hòa bình 2020 được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.

Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, nhất là ở châu Phi, mà còn đóng góp cho ổn định và an ninh toàn cầu, cũng như vai trò thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột. Bà Berit khẳng định khẳng định dù đại dịch có không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải năm nay, phù hợp với dự đoán từ trước của giới quan sát cho rằng Nobel 2020 sẽ không có giải thưởng nào được trao cho những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến virus SARS-CoV-2 hay những nỗ lực chống COVID-19.

Giải Nobel Y sinh năm nay đã thuộc về 3 nhà khoa học phát hiện ra virus viêm gan C. Ủy ban Nobel cho biết công trình nghiên cứu của bộ ba nhà khoa học gồm Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) đã giúp giải thích nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan qua truyền máu mà không phải do virus gây viêm gan A và B. Từ đó, nền y học thế giới có thể thực hiện xét nghiệm máu và phát triển thuốc cứu sống hàng triệu người.

Giải Nobel Vật lý năm 2020 được trao cho ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez về những phát hiện lý thú về Hố đen.

Về lĩnh vực Hóa học, công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR/Cas9 và những cải tiến có tiềm năng rất lớn trong sàng lọc gen, chẩn đoán gen, đặc biệt là phát triển các liệu pháp điều trị mới xứng đáng giành giải thưởng Nobel Hóa học trong năm nay. Hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier (người Pháp) và Jenifer A. Doudna (người Mỹ) vinh dự trở thành những nữ chủ nhân thứ sáu và thứ bảy của giải thưởng này.

Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Gluck vì “chất thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến”. Sinh năm 1943 tại New York, bà Louise Elisabeth Glück đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn tại Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia và Giải thưởng Bollingen, cùng nhiều giải thưởng khác.

Bảo Hà/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *