Hãng tin CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết, chính phủ Mỹ vừa nhận được thông tin tình báo cho thấy Saudi Arabia đã nâng cấp đáng kể chương trình tên lửa đạn đạo nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc. Diễn biến mới này đã đe dọa các nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ qua của Mỹ nhằm hạn chế phổ biến tên lửa đạn đạo tại Trung Đông.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 13-11 năm 2018 cho thấy nhà máy sản xuất tên lửa
của Saudi Arabia tại một cơ sở tên lửa ở thị trấn Al-Watah nước này. Ảnh: Washington Post. |
Lo ngại về chương trình tên lửa của Saudi Arabia
Thông tin tình báo chỉ ra rằng Saudi Arabia đã mở rộng cả cơ sở hạ tầng và công nghệ tên lửa thông qua các giao dịch gần đây với Trung Quốc. Chính quyền Trump ban đầu đã không tiết lộ những diễn biến bí mật này cho các thành viên chủ chốt trong Quốc hội, khiến nhiều nghị sĩ Dân chủ giận dữ khi phát hiện thông tin liên quan từ các kênh bên ngoài chính phủ. Các nghị sỹ cho rằng chính phủ đã cố tình phớt lờ về thông tin đó trong các cuộc họp.
Phát hiện nói trên làm gia tăng mối lo ngại của các nghị sĩ Mỹ về khả năng chạy đua vũ trang ở Trung Đông, đồng thời dấy lên hoài nghi liệu chính quyền ông Trump đã ngấm ngầm chấp thuận động thái của Saudi Arabia khi tìm cách chống lại Iran.
Nguồn tin tình báo cũng đặt ra câu hỏi về cam kết của chính quyền Tổng thống Trump trong việc không phổ biến tên lửa đạn đạo tại Trung Đông và liệu Quốc hội Mỹ có kịp thời nắm bắt những diễn biến trong chính sách đối ngoại của nước này tại khu vực đầy bất ổn đó hay không. Thông tin mới này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Quốc hội và Nhà Trắng về quan hệ với Saudi Arabia.
Bất chấp sự chỉ trích của lưỡng đảng về việc Saudi Arabia can thiệp vào cuộc xung đột tại Yemen và vai trò của nước này trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, Nhà Trắng vẫn muốn gây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Saudi Arabia, thể hiện qua quyết định bán số vũ khí và đạn dược trị giá hàng tỷ USD cho Riyadh bất chấp sự phản đối từ Quốc hội.
Dù các nguồn tin tình báo chưa thể xác định được mục tiêu phát triển chương trình tên lửa của Saudia Arabia, nhưng động thái này có thể đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực sở hữu đầu đạn hạt nhân mà Riyadh đang cố gắng đạt được.
Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài 60 phút vào năm 2018, Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman tuyên bố rằng nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, Saudia Arabia sẽ làm điều tương tự. Mặc dù là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ nhưng Saudi Arabia vẫn bị cấm tiếp cận với tên lửa đạn đạo của Mỹ theo quy định của Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa 1987 – một Hiệp ước đa quốc gia nhằm ngăn chặn việc mua bán các loại tên lửa có thể mang những vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã nhiều lần khẳng định lập trường rằng, họ cần phải bắt kịp với năng lực tên lửa của Iran và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác không ký Hiệp ước này, trong đó có Trung Quốc.
Thái tử Saudi Arabia, ông Mohammed Bin Salman tại chương trình 60 Minutes
năm 2018. Ảnh:CBS News. |
Bằng chứng xác minh
Theo CNN, Saudi Arabia được cho là đã mua tên lửa đạn đạo của Trung Quốc cách đây vài thập kỷ và đã đẩy mạnh các thỏa thuận mua bán loại vũ khí này kể từ năm 2007. Riyadh được đánh giá là không có khả năng chế tạo tên lửa, thậm chí là khó vận hành hiệu quả những loại tên lửa mà họ sở hữu. Thực chất, việc sở hữu những tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất là một cách để nước này phô trương sức mạnh quân sự trước các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran.
Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ Saudi Arabia trở thành quốc gia có tiềm lực mạnh nhất trong khu vực, phần lớn thông qua việc bán các máy bay quân sự cho nước này. Điều đó cũng nhằm ngăn chặn Saudia Arabia tìm cách nâng cấp năng lực tên lửa.
Những hình ảnh vệ tinh do tờ Bưu điện Washington đăng tải hồi tháng 1/2019 cho thấy Saudi Arabia đã xây dựng một nhà máy tên lửa đạn đạo. Các nhà phân tích nhận định, những hình ảnh này cho thấy các chi tiết tương đồng với công nghệ tên lửa của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh thứ hai do CNN thu được cho thấy hoạt động tương tự tại địa điểm này vào ngày 14/5, ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến hạt nhân Đông Á tại Viện Middlebury cho biết.
Nhà phân tích Behnam Taleblu nhận xét: “Việc Saudi Arabia quan tâm phát triển tên lửa đạn đạo rất đáng ngạc nhiên. Cả căn cứ tên lửa được báo cáo ở trên lẫn mối quan tâm của Saudi Arabia trong sản xuất nhiên liệu trong nước cho thấy ý muốn đối phó với Iran”.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia đều không phản hồi với các thông tin trên. Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Trung Quốc và Saudi Arabia là “đối tác chiến lược toàn diện” và cả hai bên luôn “duy trì sự hợp tác thân thiện trong tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực bán vũ khí. Sự hợp tác này không vi phạm luật pháp quốc tế và không liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Phát biểu với hãng tin CNN, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Saudi Arabia đã ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cam kết không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân, còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao tái khẳng định cam kết của Mỹ thực hiện mục tiêu thúc đẩy một khu vực Trung Đông không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tranh cãi giữa các phe phái tại Mỹ
Khi nhận được thông tin về việc Saudi Arabia phát triển tên lửa đạn đạo với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez, bang New Jersey đã yêu cầu tổ chức một cuộc họp kín với sự tham gia của các thành viên trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để bàn thảo về vấn đề này. Một số nguồn tin cho biết, những phân tích được trình bày trong cuộc họp kín diễn ra hôm 9/4 đi xa hơn câu chuyện của tờ Bưu điện Washington và cung cấp các bằng chứng xác thực cho thấy Saudia Arabia đã phát triển chương trình tên lửa tới một mức độ có thể gây xung đột trực tiếp với chính sách của Mỹ nhằm hạn chế phổ biến tên lửa tại Trung Đông.
Một ngày sau cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có phiêu điều trần về ngân sách trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Chỉ trong vài giờ, tranh cãi về chia sẻ thông tin tình báo nóng dần lên, biến phiên điều trần về vấn đề ngân sách thành cuộc tranh luận nảy lửa về sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với vấn đề ngăn chặn phổ biến tên lửa đạn đạo tại Trung Đông. Ông Menendez đã chỉ trích ông Pompeo về quyết định của chính quyền không chia sẻ thông tin mật với các thành viên trong Ủy ban này. “Điều này không thể chấp nhận được. Bộ Ngoại giao cần phải làm tốt hơn công việc tương tác với chúng tôi, thông báo thông tin và đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: “Đã có những người hối thúc Mỹ theo đuổi một lập trường khác trong quan hệ với Saudi Arabia , không bán công nghệ cho họ. Tôi nghĩ rằng họ đang thấy nguy cơ rủi ro mà điều đó mang lại. Sẽ tốt hơn nếu Mỹ tham gia vào các giao dịch đó thay vì Trung Quốc”. /.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)