(kontumtv.vn) – Vụ đọ súng xảy ra vừa qua tại thị trấn Mukachevo, miền Tây Ukraine có thể khiến bất đồng giữa chính quyền Kiev và phe Cực hữu bùng nổ.

Những tranh cãi và xung đột gần đây với phe Cực hữu là bằng chứng cho thấy vị thế chính trị của chính quyền Kiev đang suy yếu.

tu maidan den mukachevo: ukraine dang lun sau vao khung hoang hinh 0
Cảnh sát bảo vệ khu vực gần thành phố Mukachevo, phía tây Ukraine. Ảnh: AP

Đối đầu gay gắt giữa chính quyền Kiev và phe Cực hữu

Vụ đọ súng xảy ra ngày 11/7 vừa qua tại thị trấn Mukachevo, miền Tây Ukraine được xem như một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong đời sống chính trị ở Ukraine kể từ khi chính quyền Kiev bắt đầu các “hoạt động chống khủng bố” ở miền Đông Ukraine vào tháng 4/2014.

Theo tin tức từ báo chí địa phương, xung đột bắt nguồn từ việc các thành viên thuộc phong trào Cực hữu (Right Sector) – một phe phái nổi lên từ cuộc biểu tình Maidan lật đổ Tổng thống Yanukovich năm 2014 – tại địa phương yêu cầu được chia lợi nhuận nhiều hơn từ các hoạt động buôn lậu thuốc lá vốn được kiểm soát bởi cảnh sát địa phương và các chính trị gia. Những thành viên Cực hữu này đã tới nhà một chính trị gia địa phương với súng máy và súng phóng lựu để đưa ra yêu cầu của mình. Tại đây nhóm người này đã đụng độ với cảnh sát khiến 4 người chết và 10 người bị thương.

Sau khi xảy ra vụ đọ súng, nhà chức trách đã triển khai lực lượng đặc biệt đến khu vực này và yêu cầu các tay súng Cực hữu đầu hàng. Tuy nhiên đáp lại yêu cầu này, chỉ có 2 tay súng đầu hàng cảnh sát trong khi ít nhất 10 người khác rút vào ẩn náu tại một ngọn đồi và thề sẽ không đầu hàng trừ khi có lệnh của lãnh đạo phong trào Cực hữu quốc gia và hiện là thành viên của Quốc hội Ukraine, Dmytri Yarosh.

Thủ lĩnh Cực hữu Yarosh sau đó đã kêu gọi huy động toàn bộ các thành viên phong trào Cực hữu trên toàn Ukraine tiến hành biểu tình và rút các thành viên Cực hữu đang chiến đấu với phe đối lập ở miền Đông Ukraine. Các cuộc biểu tình phản đối đã được phe Cực hữu tổ chức tại hơn 10 thành phố lớn của Ukraina kêu gọi chính quyền Kiev cách chức Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov, đồng thời đảm bảo rằng các thành viên Cực hữu thuộc các tiểu đoàn Tornado, Aidar, Azov gần đây bị buộc tội tra tấn và tham nhũng nhận được đối xử công bằng.

Cho dù chính quyền ở Kiev hiện nay cố gắng miêu tả vụ việc trên chỉ là cuộc đối đầu của các phần tử xã hội đen. Tuy nhiên, với sự tham gia của các thành viên phong trào Cực hữu và việc sử dụng các loại vũ khí lẽ ra phải bị thu hồi sau cuộc đảo chính Maidan năm 2014 đã cho thấy vụ việc không đơn thuần chỉ là xung đột lợi ích giữa các băng nhóm.

Về cuộc khủng hoảng hiện nay giữa chính quyền Kiev và phong trào Cực hữu, thủ lĩnh Yarosh lập luận rằng, các hoạt động của phong trào Cực hữu xuất phát từ “ý chí của người dân Ukraine” chứ không phải theo yêu cầu của bất kỳ chính phủ nào. Giải thích lý do tại sao các thành viên của phong trào Cực hữu lại sở hữu vũ khí bất chấp pháp luật hiện hành, Yarosh giải thích rằng các binh sĩ của mình đã được cấp vũ khí trước khi luật được thông qua và do luật này của Ukraine vẫn chưa được thực thi nên họ có quyền phớt lờ luật này và tự vệ bản thân.

Đáp lại phát biểu trên của thủ lĩnh Cực hữu, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng “không có lực lượng chính trị nào được phép có quân đội riêng của mình”. Chính vì vậy, Tổng thống Poroshenko đã ra lệnh cho các cơ quan an ninh và cảnh sát nước này phải tước vũ khí của các “nhóm bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, phát ngôn báo chí của phong trào Cực hữu Artyom Skoropadsky giải thích rằng, phát biểu của Tổng thống Proshenko ám chỉ “các lực lượng quân sự bất hợp pháp” và do phong trào Cực hữu không phải là bất hợp pháp nên những lời phát biểu của Tổng thống rõ ràng không áp dụng đối với lực lượng này.

Phong trào Cực hữu từng nhiều lần tuyên bố rằng họ không thừa nhận quyền hạ của chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine và sẵn sàng tiến vào Kiev để thực hiện lời hứa tại cuộc nổi dậy ở Maidan năm 2014.

Dư luận hiện đặt câu hỏi rằng bên nào sẽ giành chiến thắng nếu xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa chính quyền Ukraine hiện nay và phong trào Cực hữu.

tu maidan den mukachevo: ukraine dang lun sau vao khung hoang hinh 1
Biểu tình của phe Cực hữu tại Ukraine. Ảnh: Reuters

Liệu có xảy ra đảo chính lần thứ hai?

Tổng thống Poroshenko đã từng tuyên bố rằng, nếu Ukraine muốn tồn tại thì chính quyền nước này cần phải thiết lập được quyền kiểm soát tất cả các lực lượng và để nền dân chủ có thể tồn tại thì việc sử dụng các lực lượng này phải theo đúng các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên một số chuyên gia phân tích cho rằng, nhiều nhân vật chính trị “thân phương Tây” ở Ukraine đã dành nhiều năm để làm suy yếu tính hợp pháp của mọi thể chế pháp lý thời hậu Xô Viết ở Ukraine. Họ đã làm như vậy không chỉ dưới thời Tổng thống Yanukovich mà cả dưới thời các Tổng thống trước đó. Chính vì vậy rất khó để người dân để có thể đặt niềm tin vào bất cứ điều gì mà chính phủ nói hoặc làm.

Một ví dụ minh chứng cho điều này là kết quả khảo sát trực tuyến hàng tuần được phát trên truyền hình Ukraine ngày 17/7. Câu hỏi “Các đại biểu của Rada (Quốc hội Ukraine) xứng đáng nhận được gì vì những thành tích của họ tại kỳ họp này? đã nhận được những phản hồi: Phần thưởng (2%); một kỳ nghỉ (2%), một cuộc bầu cử mới (22%), truy tố hình sự (75%).

Sự thiếu uy quyền của chính phủ cũng làm suy yếu tác dụng của những biện pháp cải cách. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp cải cách hà khắc dẫn đến việc sa thải hàng chục ngàn cán bộ công chức vốn nhận được tiền lương ổn định trước đây cũng làm gia tăng sự bất mãn đối với chính quyền.

Trong một cuộc họp báo sau vụ việc tại Mukachevo, thủ lĩnh Cực hữu Yarosh đã nhắc lại quan điểm của mình rằng, chính phủ hiện nay tại Ukraine đã phản bội những niềm hy vọng của cuộc nổi dậy Maidan và rằng, một cuộc cách mạng mới “của người dân” giờ đây là điều bắt buộc phải làm.

Mặc dù ông Yarosh nói rằng, ông ta hy vọng cuộc cách mạng mới sẽ diễn ra yên bình, nhưng phát ngôn viên báo chí của phong trào Cực hữu đã đưa ra cảnh báo: “Trong trường hợp một cuộc cách mạng mới nổ ra, Tổng thống Ukraine Poroshenko và các cộng sự của mình sẽ không thể chạy trốn khỏi đất nước như cựu Tổng thống Yanukovich đã làm. Họ có thể không mong đợi việc bị hành quyết bởi các binh sĩ Ukraine trẻ tuổi hoặc các thành viên lực lượng Vệ binh quốc gia trong những buồng giam tối tăm”.

Tại Đại hội của phong trào Cực hữu tổ chức ở Kiev ngày 21/7, thủ lĩnh Cực hữu Dmitry Yarosh tuyên bố, phong trào này sẽ yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về bất tín nhiệm Quốc hội, Nội các và Tổng thống. Phe Cực hữu cũng yêu cầu hủy bỏ các thỏa thuận Minsk đạt được vào tháng 2 vừa qua, hợp pháp hóa các tiểu đoàn tình nguyện, không tham gia các cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào tháng 10 tới.

Ông Yarosh cho biết, nếu tổ chức này không thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, họ sẽ tìm cách thành lập Ủy ban bầu cử Trung ương (CEC) của riêng mình để tự tiến hành bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Dư luận cho rằng, nếu những nỗ lực để bắt giữ các thành viên phong trào Cực hữu đang trốn trong đồi Transcarpathia ở Mukachevo biến thành đụng độ đẫm máu thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra sau đó ở Kiev./.

Nguyễn Hùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *