(kontumtv.vvn) – Quân đội Iraq và lực lượng người Kurd đều là đồng minh của Mỹ và ít nhiều đã hợp lực để chống IS. Nhưng giờ đây họ lại bắn nhau ở thành phố Kirkuk.

Hai đồng minh lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, là chính phủ trung ương Iraq và chính quyền của khu tự trị Kurd ở đông bắc nước này, đã bắt đầu nổ súng vào nhau. Đây là bước phát triển mới đáng kể trong xung đột âm ỉ bấy lâu nay giữa 2 phe.

vi sao quan doi iraq va luc luong kurd chia sung ban nhau o kirkuk hinh 1
Các nữ binh sĩ lực lượng Kurd Iraq. Ảnh: Reuters.

Đụng độ vũ trang bắt đầu vào tối ngày 15/10, khi quân đội Iraq di chuyển vào thành phố dầu mỏ Kirkuk và các khu vực xung quanh – vùng lãnh thổ mà người Kurd giành quyền kiểm soát vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng IS vào năm 2014. Trong vụ này, một số lực lượng quân sự người Kurd, còn gọi là peshmerga, đối mặt với binh sĩ Iraq, dẫn tới một loạt vụ đụng độ và các thương vong với số lượng chưa xác định.

Vào sáng 16/10, nhiều khu vực thuộc thành phố này đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Iraq. Hiện không rõ chiến sự ở thành phố này có tiếp diễn nữa hay không. Tuy nhiên có một điều rõ là căng thẳng lâu dài giữa chính phủ Iraq và người Kurd đang ngày đạt đến mức không chịu đựng được nữa với cả hai bên, mở màn cho một cuộc khủng hoảng lớn.

Vì sao nổ ra giao tranh

Để hiểu được lý do đụng độ vũ trang giữa quân đội trung ương Iraq và lực lượng dân quân của khu tự trị người Kurd, cần xem lại mối quan hệ phức tạp giữa đôi bên.

Người Kurd là một nhóm dân tộc thiểu số khác biệt với cộng đồng đa số người Arab. Ở Iraq, người Kurd sống tập trung ở ba tỉnh đông bắc (Dohuk, Erbil, và Sulaymaniyah) – nơi này tạo thành khu vực tự trị Kurdistan Iraq.

Dưới thời cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, cộng đồng Kurd bị trấn áp tàn bạo, đến mức được cho là diệt chủng. Tuy nhiên, sau khi Saddam bị lật đổ bằng một cuộc can thiệp quân sự của người Mỹ vào năm 2003, thì người Kurd bắt đầu được hưởng quyền tự trị ở mức độ rộng rãi. Chính quyền khu vực Kurd (KRG) được hưởng quyền kiểm soát gần như độc quyền đối với vùng Kurdistan Iraq. Trên thực tế, KRG thực hành quản lý vùng này gần như với tư cách một quốc gia độc lập (có cờ riêng).

Tuy nhiên, hiến pháp Iraq không cho phép người Kurd quản lý Kirkuk – một khu vực đa sắc tộc nằm ngay sát Kurdistan về phía nam. Đáng lưu ý, Kirkuk là nơi sở hữu tới 40% trữ lượng dầu của Iraq.

vi sao quan doi iraq va luc luong kurd chia sung ban nhau o kirkuk hinh 2
Lực lượng chính phủ Iraq ở Kirkuk. Ảnh: AFP.

Người Kurd tự nhận vùng này thuộc về họ một cách hợp pháp. Tuyên bố này của họ một phần bắt nguồn từ những đau khổ trong lịch sử, khi Tổng thống Iraq lúc ấy là ông Saddam nỗ lực thanh lọc người Kurd khỏi khu vực Kirkuk, nhưng nguyên nhân cơ bản đằng sau tuyên bố này được cho là do họ cần nguồn tiền từ trữ lượng lớn dầu mỏ tại đây.

Chính quyền trung ương Iraq duy trì sự kiểm soát không dễ dàng gì đối với vùng Kirkuk cho tới tháng 6/2014. Đó là thời điểm khủng bố IS bắt đầu quét qua miền tây bắc Iraq và đánh xuống thủ đô Baghdad – một làn sóng mà lúc đó tưởng chừng không thể ngăn nổi. Các lực lượng chính phủ Iraq đã bỏ Kirkuk nhằm chặn đà tiến của IS. Chính trong bối cảnh đó, lực lượng Kurd tiến vào vùng này. Và thế là, từ năm 2014 đến nay, lực lượng người Kurd kiểm soát Kirkuk và toàn bộ tài sản có ở đó, mặc dù về pháp lý, nơi đây vẫn thuộc về chính phủ trung ương.

Cho tới thời gian gần đây, chính quyền Iraq và người Kurd vẫn còn quá bận tâm vào cuộc chiến chống IS nên chưa cùng bàn về vấn đề Kirkuk. Nhưng tình thế đã thay đổi. Lực lượng IS trong 3 năm qua đã bị đẩy lui dần ra khỏi hầu hết lãnh thổ của Iraq. Khi IS bắt đầu suy yếu, bản chất của trật tự chính trị hậu IS bắt đầu trở thành một mối quan tâm cấp bách hơn, trong đó, có vấn đề về vị thế của KRG và cái gọi là “các vùng lãnh thổ tranh chấp” như Kirkuk.

Vào ngày 25/9, KRG tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập chính thức khỏi Iraq – đây vốn là mơ ước lâu đời của nhiều người Kurd. Cuộc trưng cầu này đã lấy ý kiến về cả 3 tỉnh được công nhận thuộc Kurdistan Iraq lẫn cái gọi là các “vùng lãnh thổ tranh chấp” mà cả KRG và chính phủ trung ương đều nhận thuộc về mình như vùng Kirkuk.

Tỉnh Kirkuk đặc biệt quan trọng đối với việc độc lập của người Kurd vì nếu thiếu dầu mỏ, xứ Kurdistan sẽ không thể trở thành một quốc gia trụ vững được về mặt kinh tế.

Tương lai bất trắc

Cuộc trưng cầu dân ý, bị Mỹ và phần lớn cộng đồng quốc tế phản đối vì gây chia rẽ, đã diễn ra. Điều này gửi đi một thông điệp không nhầm lẫn rằng KRG đang dự định tách khỏi Iraq và cố gắng mang theo Kirkuk – điều mà chính phủ Iraq không thể dung thứ được. Sự kiện tối 16/10 là phản ứng trực tiếp và có thể dự đoán được đến từ chính quyền trung ương Iraq.

Chính vì vậy mà Mỹ đã nói với KRG rằng cuộc trưng cầu dân ý này là một ý tưởng tồi.

vi sao quan doi iraq va luc luong kurd chia sung ban nhau o kirkuk hinh 3
Người dân Kirkuk ăn mừng việc trưng cầu dân ý về độc lập. Ảnh: Getty.

Mặc dầu vậy, giới quan sát cho rằng cuộc đụng độ này sẽ không làm leo thang căng thẳng ngay.  Có một số lý do cho nhận định này.

Thứ nhất, quân đội Iraq trong vài năm qua đã trưởng thành, trở thành một lực lượng dạn dày trận mạc, có hiệu quả trong tác chiến. Một cuộc phản công do người Kurd tiến hành để tái chiếm Kirkuk do vậy sẽ cực kỳ mạo hiểm.

Thứ hai, lực lượng quân sự người Kurd (peshmerga) cũng bị chia rẽ trong hàng ngũ của chính họ. Có hai phái chính trị chủ chốt ở xứ tự trị Kurdistan – Đảng Dân chủ Kurd (KDP) và Liên minh Yêu nước Kurd (PUK).

KDP hiện kiểm soát chính phủ Kurd và chịu trách nhiệm về cuộc trưng cầu dân ý; lực lượng peshmerga trung thành với đảng này chính là lực lượng tham gia giao tranh với quân chính phủ Iraq. Ngược lại, PUK lại phối hợp với chính quyền trung ương – PUK đã rút một số quân khỏi Kirkuk để ăn nhịp với việc quân trung ương được điều tới đây. Các sự chia rẽ này khiến người Kurd khó điều phối các hoạt động kháng cự lại chính quyền trung ương.

Vấn đề mấu chốt lớn hơn là quy chế cuối cùng dành cho bản thân xứ Kurdistan. Nói cách khác, liệu Iraq còn duy trì được sự thống nhất lãnh thổ như hiện nay hay không.

Sau thành công của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, KRG đang chịu áp lực chính trị lớn phải thực hiện các bước đi hướng tới nền độc lập. Do việc kiểm soát Kirkuk ít nhiều vẫn là điều tiên quyết để giành độc lập thành công, KRG về dài hạn sẽ không thể bỏ qua vấn đề này. Nhưng chính quyền trung ương Iraq cũng không thể nhượng Kirkuk cho xứ Kurdistan được vì họ phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ khai thác ở đây để cung cấp tài chính cho quân đội và bộ máy chính quyền. Trước mắt, chính quyền Iraq sẽ gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề này, trừ phi KRG từ bỏ yêu sách độc lập.

Khía cạnh đáng sợ nhất từ sự kiện 16/10 là giờ đây đã có tiền lệ nguy hiểm để chính phủ Iraq và cộng đồng người Kurd sử dụng bạo lực chống lại nhau. Theo một chuyên gia phân tích, đây là vụ đụng độ lớn nhất giữa peshmerga và các lực lượng vũ trang của chính phủ Iraq trong thời kỳ hậu Saddam Hussein./.

Trung Hiếu/VOV.VN
Theo Vox

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *