(kontumtv.vn) – Tân Cương là vấn đề nội địa của Trung Quốc nhưng bản thân Bắc Kinh thừa nhận cần có sự góp mặt của các quốc gia.

Trung Quốc đang bế tắc trong việc tìm lời giải cho bài toán bất ổn ở Tân Cương, đặc biệt là sau thời điểm cuối tháng 4 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo triển khai chiến lược chống khủng bố trên toàn quốc, lấy Tân Cương là địa bàn trọng yếu. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại cho thấy, càng nhiều biện pháp tăng cường quản lý được đưa ra thì khu vực này lại càng trở nên căng thẳng với nhiều vụ bạo lực.

Người Duy Ngô Nhĩ xuống đường ở thủ phủ Urumqi của vùng Tân Cương (ảnh: EPA)

Con số thương vong mà Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Khu tự trị Tân Cương Trương Xuân Hiền đưa ra chiều 2/8 khiến dư luận đặc biệt chú ý. Theo đó, trong vụ bạo lực ngày 28/7, tại huyện Shache, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc đã làm 37 dân thường thiệt mạng (trong đó có 35 người dân tộc Hán, hai người dân tộc Duy Ngô Nhĩ), 13 người khác bị thương; 37 xe ô tô bị đốt phá, cảnh sát cũng đã nổ súng tiêu diệt 59 phần từ khủng bố, bắt 215 nghi can khác. Thông báo cho biết, những kẻ khủng bố đã sử dụng dao, búa tấn công trụ sở chính quyền địa phương và đồn cảnh sát, dựng nhiều chướng ngại vật trên đường, tấn công xe ô tô qua lại, sát hại dân thường là người dân tộc Hán đồng thời kích động người Duy Ngô Nhĩ tham gia bạo động.

Cơ quan điều tra cho biết, đây là vụ tấn công có tổ chức, được lên kế hoạch chi tiết, kẻ cầm đầu có tên là Nurmamat, thường xuyên liên hệ với tổ chức hồi giáo ly khai Đông Turkestan, tuyên truyền tư tưởng tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa dân tộc ly khai, kêu gọi thánh chiến, huấn luyện thực hiện tấn công khủng bố qua mạng Internet, bước đầu hình thành mạng lưới khủng bố có tổ chức.

Vụ bạo lực hôm 28/7 được xem là đẫm máu nhất kể từ khi Trung Quốc tuyên bố thắt chặt an ninh khu vực Tân Cương sau ngày 30/4, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuối tháng 5, Trung Quốc đã triển khai chiến dịch chống khủng bố kéo dài một năm trên toàn quốc. Tuy nhiên theo thống kê, từ khi Trung Quốc triển khai chiến dịch này, đến thời điểm hiện tại hàng chục vụ bạo lực đã xảy ra theo chiều hướng ngày càng đẫm máu hơn. Điển hình là ngày 21/6, ba cảnh sát bị thương và 13 kẻ tấn công đã bị bắn chết trong vụ tấn công một đồn cảnh sát ở Tân Cương. Nhật Báo Trung Quốc cho biết nhóm người trên đã lái một xe tải lao vào đồn cảnh sát huyện Diệp Thành ở phía nam Tân Cương và kích hoạt chất nổ. Ngày 22/5, một vụ tấn công khiến cho Trung Quốc rúng động và thế giới lên án, một vụ nổ lớn đã diễn ra sau khi hai xe ôtô lao vào một khu chợ ngoài trời ở thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc khiến ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương…

Tất cả những diễn biến bạo lực này đang khiến quốc tế lên tiếng yêu cầu Trung Quốc công bố thực trạng và giải pháp cho những bất ổn ở khu vực Tân Cương. Thực tế, từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã nhận thức được chính sự bấp bênh về kinh tế và bất bình đẳng giữa dân di cư người Hán với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là nguyên nhân của sự bất ổn. Bắc Kinh đã tìm kiếm sự cân bằng thông qua một chính sách mang tên “ổn định trên hết” ở Tân Cương. Các quan chức đã nhất trí rằng Tân Cương có một “vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng” trong tiến trình phát triển quốc gia. Phát triển sẽ đặt nền tảng các giải pháp cho mọi vấn đề ở khu vực này.

Tuy nhiên, để biến ý tưởng này thành hiện thực không phải là dễ và quan trọng hơn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc không thể lường trước được những hậu quả đi kèm trong quá trình phát triển kinh tế. Hiện đại hóa kinh tế sẽ tạo ra làn sóng di dân từ nông thôn vào thành phố. Sự va chạm giữa các luồng tư tưởng, sự kỳ thị và phân hóa giàu nghèo gia tăng tỷ lệ thuận với  xung đột sắc tộc, đẩy khu vực Tân Cương trở thành một “điểm nóng” chính trị tại Trung Quốc.

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ lo ngại trước những bất ổn tại Tân Cương. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Half hôm 30/7 đã lên tiếng khẳng định Mỹ đang dõi theo những diễn biến chống khủng bố của Trung Quốc, bất chấp Bắc Kinh phản đối về vấn đề này.

Khu vực Tân Cương có chung biên giới với 5 quốc gia Hồi giáo như: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Pakistan.

Theo giới phân tích quốc tế, vấn đề Tân Cương hiện nay không chỉ tác động đến tình hình Trung Quốc, Trung Á và thậm chí là cả cho khu vực Á-Âu. Như vậy, mặc dù Tân Cương là một vấn đề nội địa của Trung Quốc nhưng bản thân Bắc Kinh cũng thừa nhận rằng cần có sự góp mặt của các quốc gia như là một cách xử lý đa phương thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải.

Trung Quốc vẫn đang giải bài toán Tân Cương bằng kế hoạch thiết lập một bản sắc dân tộc của Trung Quốc cho những người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, Phật giáo và một số nhóm khác, nhằm hướng tới mục tiêu hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên,chính sách nào có thể hoá giải những vấn đề nhưc nhối của Tân Cương vẫn là “ẩn số” không dễ tìm với chính quyền của ông Tập Cận Bình./.

Ngân Giang /VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *