(konrumtv.vn) – Cuộc tháo chạy của Mỹ, Ngụy đã diễn ra hỗn loạn, toàn bộ tàn quân của địch đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống.

Sau khi thất thủ tại Buôn Ma Thuột, vào giữa tháng 3/1975, Mỹ, Ngụy đã quyết định rút toàn bộ quân ra khỏi Tây Nguyên, từ Kon Tum, Gia Lai theo đường số 7 về đồng bằng, nhằm tái phối trí lực lượng. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hỗn loạn, toàn bộ tàn quân của địch đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống. Hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai lần lượt được giải phóng trong hai ngày 16 và 17/3/1975.

Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Đại tá Phạm Chào, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3, người đã tham gia mặt trận Tây Nguyên từ năm 1967 đến khi Tây nguyên giải phóng.       

Đại tá Phạm Chào trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV

Khí thế hào hùng những ngày lịch sử tháng 3 năm 1975 

PV: Thưa ông, xin ông cho biết khí thế của quân ta tham gia chiến dịch Tây Nguyên lịch sử tháng 3/1975?

 

Đại tá Phạm Chào: Chủ trương của Bộ Chính trị cũng như Quân ủy Trung ương năm 1975 là phải đánh lớn, phải giải phóng nhiều vùng để tạo ra thế trận mới cho những năm tiếp theo. Mặt trận Tây Nguyên được Bộ giao là năm 1975 phải mở chiến dịch Tây Nguyên, tiến công đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng vùng Nam Tây Nguyên.

Chúng tôi nhận nhiệm vụ này thì từ cán bộ đến chiến sĩ háo hức lắm, rất phấn khởi. Anh em nghĩ ra câu khẩu hiệu: “Trường Sơn chuyển mình, Pô kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng Tây Nguyên”. Từ người đi lấy gạo, huấn luyện cho đến anh nuôi đều nêu cao khẩu hiệu này. Cho nên, tinh thần quyết tâm, khí thế giải phóng Tây Nguyên lúc đó rất rạo rực.

PV: Tương quan lực lượng của trận chiến lúc ấy ra sao, thưa ông?

Đại tá Phạm Chào: Trước khi Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra tháng 3/1975, lực lượng của ta và địch có thể so sánh cụ thể như thế này. Sau những chiến thắng năm 1972-1974, lực lượng của địch đã thu hẹp và suy yếu đi nhiều. Nhưng nói yếu thì chưa hẳn mà vẫn còn mạnh, cụ thể là họ có Sư đoàn 23, có khoảng 5-6 Liên đoàn Biệt động quân, rồi các lực lượng bảo an dân vệ địa phương. Họ còn có một Sư đoàn 6 không quân, lực lượng tăng thiết giáp và pháo binh rất đông.

Nói về lực lượng của ta lúc bấy giờ ưu thế hơn hẳn về quân số, trước lúc mở chiến dịch, ta có 5 Sư đoàn, gồm Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Sư đoàn 968, Sư đoàn 316 và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tăng cường. Như vậy, nếu về bộ binh thì ta 5, địch có 1 – 2, còn không quân thì địch ưu thế hơn hẳn vì có Sư đoàn không quân, ta không có. Còn lực lượng pháo binh và xe tăng tương đương nhau.

 

Đồng bảo Tây Nguyên cùng bộ đội đưa pháo vào trận địa (Ảnh tư liệu)

Nhưng có một điều, tại sao địch còn đông như thế, bản chất thì vẫn rất ngoan cố, nhưng lại bị ta đánh bại, bởi vì tinh thần của địch sau những năm 1972-1974 đã rệu rã, đi xuống rất nhiều. Trong khi đó, tinh thần của Bộ đội ta, của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đang lên rất cao, vì sau những năm giải phóng vùng rộng lớn thì ta giữ vững và mở rộng được, cho nên người dân có niềm tin ngày giải phóng miền Nam đang đến rất gần. Đồng thời, phía ta có một sự đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân và dân rất cao. Vì thế, khí thế ta hơn hẳn quân địch.

Đòn nghi binh huyền thoại ở Bắc Tây Nguyên

PV: Nhiều người và cả giới quân sự phương Tây đến nay vẫn ca ngợi cách đánh nghi binh của ta triển khai ở Bắc Tây Nguyên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh Buôn Ma Thuột, dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên. Quân ta đã đánh nghi binh như thế nào, thưa ông?

Đại tá Phạm Chào: Trước lúc vào Chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 10 ém quân để sẵn sàng chiến đấu ở Kon Tum, Sư đoàn 320 ở Đức Cơ để sẵn sàng chiến đấu với địch ở Gia Lai. Lúc bấy giờ chúng ta có hình thức nghi binh rất tài giỏi, ở chỗ hô hào chuẩn bị giải phóng Kon Tum, giải phóng Pleiku để đánh lừa quân địch. Bằng cách mở đường vòng quanh thị xã Kon Tum, vòng quanh thị xã Pleiku, rồi hô hào nhân dân chào mừng bộ đội về giải phóng Kon Tum, Pleiku khiến kẻ địch không biết đường nào phán đoán.

Thứ hai, để bí mật vào chiến dịch thì hai Sư đoàn 10, 320 bí mật rút quân nhưng để lại toàn bộ hệ thống thông tin. Vì thông tin vô tuyến địch theo dõi ta rất chặt chẽ. Toàn bộ số người cũ của thông tin này để lại với Sư đoàn mới. Quân địch vẫn cứ ngỡ là Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 vẫn ở lại, chiến dịch chắc chắn ở Pleiku, Kon Tum.

Có một điều quan trọng nữa là chúng ta lừa được địch nhưng giam chân một lực lượng rất lớn chủ lực của địch ở Bắc Tây Nguyên để tạo sơ hở cho phía sau Buôn Ma Thuột, khi ta đánh vào thì rất thuận lợi. Chính nghi binh đã đánh lừa được kể cả Bộ Tổng tham mưu quân ngụy, lừa được cả Quân đoàn II của ngụy ở đây.

Trung đoàn 64-Sư đoàn 320 truy quét tàn quân của địch tháo chạy hỗn loạn trên đường 7 (Ảnh tư liệu)

Cuộc tháo chạy hỗn loạn của địch trên đường 7 định mệnh

PV: Sau khi thất thủ ở Buôn Ma Thuột, Nam Tây Nguyên, đại quân của địch đã tháo chạy khỏi thủ phủ Pleiku, Bắc Tây Nguyên trong tình cảnh nào, thưa ông?

Đại tá Phạm Chào: Biết rằng Buôn Ma Thuột bị mất, tướng, tá, quân lính của Quân khu II, Quân đoàn II của địch đóng ở Kon Tum, Pleiku còn một lực lượng rất lớn, với hàng trăm khẩu pháo, hàng trăm xe tăng. Thế nhưng, Buôn Ma Thuột mất rồi thì tinh thần của địch rệu rã, hoang mang, trong khi Sư đoàn 968 của chúng ta, thế chân Sư đoàn 10 Kon Tum vẫn cứ tiếp tục đánh. Biết không thể nào cứu được Kon Tum, Pleiku, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng, tá, Bộ tổng tham mưu ngụy quyết định rút quân ở Tây Nguyên theo đường số 7 để về cố thủ ở đồng bằng miền Trung.

Quân địch tháo chạy rất hỗn loạn từ ở Kon Tum, Pleiku. Trong khi chúng ta chỉ có lực lượng ám sát và thỉnh thoảng đánh với đòn nhỏ nhưng làm cho bọn chúng rất hoảng loạn, rút chạy không có tổ chức. Ai mạnh người đó chạy, biệt động quân mạnh thì biệt động quân chạy, lính ngụy chủ lực mạnh thì chủ lực chạy. Nắm được tình hình này, Bộ đã chỉ đạo cho các lực lượng của Mặt trận Tây Nguyên phải khẩn trương bám sát, truy kích địch, nhất quyết phải tiêu diệt tập đoàn rút chạy này để tạo thế mới, lực mới.

Lúc ấy chỉ có Đại đội 11 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 chặn lại được. Để rồi quân địch bị xáo trộn, ùn tắc, bị mất tinh thần thêm ở Cheo Reo, Phú Bổn. Chính vì thế, Sư đoàn 320 và các lực lượng binh chủng đã cơ động đến. Suốt từ ngày 16 – 24, bằng nhiều trận đánh chia cắt quân địch ở đây, mở một đợt truy kích địch có thể nói là lớn nhất của nước ta, tính đến thời kỳ đó, ở chiến trường Đông Dương là chưa từng có, tiêu diệt một tập đoàn rút chạy của kẻ địch.

Nhân dân Kon Tum mừng giải phóng (Ảnh tư liệu)

3 yếu tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên

PV: Rõ ràng sai lầm của địch khi rút khỏi Tây Nguyên bằng đường 7 đã phải trả giá. Theo ông, những yếu tố nào làm nên chiến thắng của quân ta trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975?

Đại tá Phạm Chào: Chiến dịch này giành thắng lợi có nhiều yếu tố. Cái quan trọng nhất là chọn đúng được mục tiêu, bởi vì nếu đánh vào Kon Tum, Pleiku lúc ấy địch mạnh, họ đã có phòng ngự, có tổ chức lâu năm, từ thời Mỹ, thì nhất định ta sẽ khó khăn.

Còn Buôn Ma Thuột địch sơ hở, thế thì chọn được mục tiêu đánh vào đây thì nhanh vỡ cả một chiến trường từ Bắc tới Nam Tây Nguyên. Chọn mục tiêu đó là sự sáng suốt của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh.

Thời điểm thứ hai cũng phải nói đến, để giành được thắng lợi là tài nghi binh, mưu mẹo của Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên. Cho nên, đã đánh lừa được địch, cho đến phút nổ súng mà bọn chúng vẫn cho rằng ta vẫn tập trung quân đánh ở Bắc Tây Nguyên, tạo sơ hở và địch đã bị tiêu diệt.

Thứ ba là quân và dân Tây Nguyên có tinh thần đoàn kết, có khát khao muốn giải phóng Tây Nguyên. Chọn đúng mục tiêu, nghi binh giỏi, nhưng không có quyết tâm cao, đánh vào Buôn Ma Thuột ác liệt như thế mà không có tinh thần dám vượt lên hy sinh, vượt lên tất cả thì khó có thể giành thắng lợi. Tôi nghĩ, trên đây là yếu tố quan trọng để giành thắng lợi.

Sa bàn chiến dịch Tây Nguyên

Tây Nguyên trên đường đổi mới

PV: Là người gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên nói chung, Bắc Tây Nguyên nói riêng gần nửa thế kỷ, ông cảm nhận thế nào về sự đổi thay của vùng đất này?

Đại tá Phạm Chào: Cách đây 40 năm, ở thời Mỹ, Ngụy còn chiếm đóng thì kinh tế, xã hội hay đời sống nhân dân không có gì phát triển. Như Gia Lai hay Kon Tum chỉ có mấy nhà cao tầng, còn lại lụp xụp nhà tôn. Đời sống nhân dân phụ thuộc hầu hết vào bộ máy chiến tranh của Mỹ, Ngụy.

Sau 40 năm giải phóng, nhất là có công cuộc đổi mới của Đảng, từ năm 1986 đến giờ, Tây Nguyên đã thay đổi chưa từng có. Hệ thống hạ tầng cơ sở, đường giao thông nối từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, đường hàng không. Cơ sở hạ tầng từ trường học, bệnh viện ở các tỉnh này rất chu đáo, phục vụ nhân dân đầy đủ. Đời sống của nhân dân ngày càng phát triển.

Ngoài ra, việc trồng cây công nghiệp cao su, cà phê, hồ tiêu phát triển rất mạnh mẽ nâng cao đời sống người dân rất nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Công Bắc/VOV – Tây Nguyên (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *