Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát bản tin cuối cùng về cơn bão số 12 cho biết, đêm 4/11, sau khi đi vào vùng biển Trung Bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp

Hồi 1h ngày 5/11, vị trí trung vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Đà Nẵng – Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là từ dưới 39 km/h). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 30km, suy yếu và tan dần.

 

Vị trí và hướng đi của áp thấp mới.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to. Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ, có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 12.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 1h ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 121,3 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 – 61 km/h), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1h ngày 6/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 – 88 km/h), giật cấp 10, cấp 11.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 1 giờ ngày 7/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 – 102 km/h), giật cấp 11, cấp 12.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển phía Đông Nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.

Đây là áp thấp nhiệt đới, sẽ mạnh lên thành bão, có tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp, cần theo dõi thường xuyên và đầy đủ./.

PV/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *