(kontumtv.vn) – Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vào thực tiễn, tỉnh Kon Tum đã quan tâm phục dựng, đầu tư phát triển các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn. Tín hiệu vui là nhiều nghề truyền thống đã trở lại với cộng đồng và những sản phẩm do bà con làm ra đã có sức hấp dẫn với đời sống, đặc biệt là thị trường du lịch. Tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm và nghề làm gốm.

Đến với các làng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum từ khu vực thuận lợi cho đến vùng sâu, vùng xa, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp các nghệ nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau ngồi bên khung dệt truyền thống để dệt ra những sản phẩm thổ cẩm tinh tế, đẹp mắt và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là kết quả đáng phấn khởi của tỉnh Kon Tum trong việc quan tâm, bảo tồn và phát huy nghề dệt thông qua việc mở các lớp truyền dạy nghề tại cộng đồng gắn với khuyến khích các nghệ nhân làm ra các sản phẩm hàng hóa vừa phục vụ đời sống, vừa nâng cao thu nhập. Điển hình nhất đó là sự hồi sinh của nghề dệt hai dân tộc rất ít người là dân tộc Rơ Măm (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) và dân tộc Brâu (làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi). Nghệ nhân Y Dép (làng Đăk Mế, xã Bờ Y) nói: “Nhờ Nhà nước giúp đỡ nên nghề dệt thổ cẩm dân tộc Brâu không bị mai một, giờ thì nhiều người biết dệt. Dệt thổ cẩm để sử dụng, để tặng người thân và để bán cho khách tham quan”.

Dệt thổ cẩm ở làng ĐBDTTS
Dệt thổ cẩm ở làng ĐBDTTS

Trước đây, để mua được một sản phẩm thổ cẩm làm quà lưu niệm, du khách phải đến các shop hàng chuyên nghiệp. Ngày nay, du khách có thể mua các sản phẩm dệt tại cộng đồng làng và trong từng gia đình nghệ nhân. Đặc biệt, tại các làng nội thành thành phố Kon Tum, sự xuất hiện của các gian hàng thổ cẩm đã trở nên quen thuộc. Sự khởi sắc này cho thấy nghề dệt thổ cẩm và sản phẩm thổ cẩm đã và đang được bảo tồn, phát huy đúng hướng. Bà Y Nghuk (làng Kon Klo, thành phố Kon Tum) cho biết: “Hàng ở đây toàn mình tự dệt, nước ngoài nó thích mua các túi xách như thế này nè, nó thích mua khăn choàng cổ, nó thích mua nhiều lắm”.

Mặc dù bị cạnh tranh khá khốc liệt trước những sản phẩm dệt công nghiệp, nhưng sản phẩm dệt truyền thống vẫn khẳng định được ưu thế tuyệt đối và luôn được khách hàng ưa thích. Chị Y Liễu (làng Kon Klo, thành phố Kon Tum) nói: “Dệt bằng tay mặc thoải mái, mềm, dệt bằng bằng máy nó cứng, mặc không thoải mái. Hoa văn thì mình thích hoa văn nào mình dệt bằng tay, máy chỉ đi một mẫu thôi. Sản phẩm bằng tay thì mình gửi gắm được tâm hồn như dệt sản phẩm cho chồng hay cho bố mẹ, còn sản phẩm dệt bằng máy thì nó không có tâm hồn”.

Cùng với nghề dệt truyền thống, nghề làm đồ gốm truyền thống cũng từng bước được phục dựng và phát triển trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tiêu biểu như sản phẩm gốm của đồng bào Ba Na nhánh Jơ Lâng ở huyện Kon Rẫy. Với nét riêng biệt, sản phẩm gốm Ba Na nhánh Jơ Lâng vẫn được nhiều gia đình tin dùng và được nhiều du khách tìm mua bởi tính mộc mạc, tiện dụng và không kém phần tinh tế. Sản phẩm gốm này được làm ra hoàn toàn theo phương pháp thủ công truyền thống từ khâu khai thác nguyên liệu, làm đất, tạo hình cho đến khâu nung và nhuộm màu. Đặc trưng của đồ gốm  Ba Na Jơ Lâng đó là nhẹ, mỏng, tiện ích, hoa văn đơn giản và màu sắc đen tuyền được nhuộm từ vỏ cây rừng. Chị Y Her (làng Kon Xơ Mlũh, Xã Đắk T’re, Huyện Kon Rẫy) cho biết: “Ngày trước ít người biết làm nghề gốm, làng của tôi chỉ có bà Y Ber biết làm. Giờ Nhà nước mở lớp học nghề gốm truyền thống, làng có gần 10 người biết làm, mới làm đồ chưa đẹp nhưng cũng có nhiều người hỏi mua. Họ mua về để trong nhà cho đẹp”.

Tín hiệu vui là sản phẩm gốm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã và đang được sản xuất ngày một nhiều hơn, lượng tiêu thụ lớn hơn, đặc biệt là được trưng bày khá trang trọng tại nhiều cửa hàng, gian hàng đồ lưu niệm. Bà Trần Thị Diệu Hằng, Trưởng phòng Tuyên truyền Cơ sở, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh song song với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống chúng tôi chú trọng nghề gốm truyền thống, vì hiện nay nghề này nghệ nhân còn ít và địa bàn hẹp. Chúng tôi chú trọng bảo tồn và phát triển nghề này và chú trọng quảng bá sản phẩm của bà con làm ra nhằm mục đích bảo tồn và bà con có thể sống được bằng nghề này”.

Sự khởi sắc của các sản phẩm nghề truyền thống các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh, trong đó có nghề dệt thổ cẩm và nghề làm gốm là kết quả đáng mừng trong thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020. Kết quả này góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh. 

Văn Hiển

                                                                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *