(kontumtv.vn) – Chợ xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) được thành lập từ năm 2009, qui hoạch và xây dựng hoàn thiện năm 2012, nhưng đến nay trên 10.000 dân ở đây vẫn chưa thể tập trung hoạt động giao thương, buôn bán phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Năm 2009, trước sự phát triển đột phá của địa phương nhờ vị trí nằm trong Khu Kinh tế Cửa khẩu Bờ Y, có quốc lộ đi qua, xã Bờ Y đã được chấp thuận thành lập chợ Bờ Y trên diện tích gần 2.000 m2 tại thôn Măng Tôn. Đến năm 2012, xã tiếp tục đầu tư kiên cố khu chợ. Xây dựng lồng chợ, khu vực buôn bán ngoài trời và nơi để xe, với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đây là số tiền được trích từ nguồn vốn Chương trình 160 và 135 của Nhà nước cấp cho địa phương. Đồng thời, cho phép 30 tiểu thương mua đất, xây dựng ki ốt buôn bán. Tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực này là trên 3 tỷ đồng.

Chợ Bờ Y
Chợ Bờ Y

Theo thiết kế ban đầu, khu chợ Bờ Y có qui mô 65 gian hàng, trong đó 35 gian hàng trong lồng chợ và 30 ki ốt xung quanh khu vực trung tâm. Thế nhưng, tất cả khu vực này hiện nay bỏ trống hoàn toàn. Thay vào đó là có khoảng 40 tiểu thương bày bán chen chúc trên sạp, kệ tạm bợ dọc theo con đường rộng 8 m và dài 50 m. Con đường dẫn vào khu chợ này đến nay vẫn là đất mượn. Bà Lê Thị Hoa, tiểu thương tại chợ Bờ Y nói: “Là một tiểu thương ở đây tôi mong muốn làm sao để mở rộng tầm mắt, để kẻ gần người xa thông thương ở chợ này. Chứ còn bây giờ, thật tình nó đang còn rất chật chội. Sự mong muốn của chúng tôi sao cho rộng rãi, cái thứ hai nữa là chỗ bán chỗ buôn được ổn định”.

 “Hiện tại chợ đang họp ở lề đường, rất là nhỏ, không có không gian để bày bán hàng hóa được thoải mái, xe cộ cũng không có chỗ đậu. Tôi mong muốn chợ qui hoạch cho gọn gàng để đi lại. Cũng như nhiều người đầu tư ki ốt ở đây, tôi cũng mong muốn chợ thành lập, đi vào hoạt động để người dân đầu tư vào ki ốt không phải bỏ không và hoang phí tiền của người dân bỏ ra”. Bà Lâm Thị Quỳnh, một tiểu thương khác ở chợ Bờ Y đề nghị.

Tại khu vực chỉ vẻn vẹn 400 m2, vào giờ tan tầm mỗi buổi tập trung hàng trăm lượt người chen chân tới mua bán nên chật chội và bất tiện. Đặc biệt, việc bày bán hàng hóa tự tiện không có phân khu, không có hệ thống vệ sinh hay bất kì một đơn vị chuyên trách quản lí chung, thì không thể nào đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có một khu vực rộng rãi, sạch sẽ để việc giao thương, trao đổi hàng hóa được diễn ra thuận lợi hiện đang là niềm mong mỏi của nhân dân nơi đây, đặc biệt khi nhu cầu mua sắm ngày một tăng cao như hiện nay.

Hà My – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *