(kontumtv.vn) – Dự án quy hoạch đường Trương Quang Trọng (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) hiện còn nhiều bất cập trong đền bù, giải phóng mặt bằng, khiến hơn 70 hộ dân không thống nhất và di dời đến nơi ở mới. Giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Bùi Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Qũy đất thành phố Kon Tum.

PV: Thưa ông, ngày 9/12/2013, UBND thành phố có ra thông báo chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân trong vùng quy hoạch đường Trương Quang Trọng, nhưng hiện nay, qua ba năm, công tác này vẫn chưa thực hiện xong, xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?

 Ông Bùi Văn Thọ:  Khi thực hiện giải phóng mặt bằng đường Trương Quang Trọng, tổng khu quy hoạch phải di dời dân ra khỏi vùng bão lũ đang thực hiện là 13,6 ha trên 173 hộ. Từ đó đến nay, thành phố Kon Tum đã thực hiện phương án di dời dân và trả bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay có 95 hộ đã nhận tiền bồi thường, kể cả các hộ tái định cư đã di dời đến nơi ở mới ổn định. Tuy nhiên hiện nay còn lại 78 hộ dân, kể cả một số hộ tái định cư vẫn chưa nhận tiền bồi thường để thực hiện vấn đề di dời giao mặt bằng cho Nhà nước. Lý do người dân cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước quá thấp, không thể ra khu vực khác hoặc tới khu vực tái định cư để mua một lô đất làm nhà ở. Thực ra, thành phố đã giải thích, họp dân nhiều lần và đã giải thích, vận động nhân dân là giá đất tại thời điểm thu hồi và kể cả đất tái định cư là trị giá 450.000đ/m2.

Phỏng vấn ông Bùi Văn Thọ
Phỏng vấn ông Bùi Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Qũi đất TP. Kon Tum

PV: Vậy thưa ông, có hay không việc có 2 giá đền bù đất khác nhau trong cùng một con phố, cùng một dự án quy hoạch đường Trương Quang Trọng?

Ông Bùi Văn Thọ: Trên khu vực thu hồi đất, đối với đường Trương Quang Trọng, có hai mức đất. Thì ta biết rồi, bất cứ đường nào cũng vậy, khi xác định giá đất, căn cứ vào giá trị sinh lợi của từng vị trí trên tuyến đường mà Nhà nước sẽ xác định giá đất khác nhau. Ví dụ đường Trương Quang Trọng, từ đoạn đường Hồ Chí Minh cho đến hẻm 61 có một giá khác, còn từ hẻm 61 trở về ngục Kon Tum thì có cái giá khác. Trong đoạn chúng tôi thực hiện bồi thường, tới nay vẫn giữ nguyên giá cũ của tỉnh đã ban hành theo Quyết định số 40 ngày 22/12/2011.

PV: Một trong những nguyên nhân khiến 78 hộ dân đường Trương Quang Trọng không di dời đến nơi ở mới là bởi vì giá đền bù đất quá thấp để họ có thể mua một mảnh đất khác trong khu vực tái định cư. Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?

Ông Bùi Văn Thọ: Thành phố Kon Tum cũng như tỉnh Kon Tum luôn quan tâm đến điều kiện, hoàn cảnh khó khăn của người dân. Đối với trường hợp đủ điều kiện tái định cư, Nhà nước vẫn bồi thường và giao đất tái định cư. Còn nếu người dân không có nhu cầu về tái định cư tại khu vực tái định cư của thành phố thì có thể mua đất, chuyển nhượng đất chỗ khác để có thể xây dựng nhà ở. Còn riêng giá đất, như tôi nói, tại thời điểm thu hồi đất, giá đất tái định cư trên khu vực Tây Bắc Duy Tân là thành phố Kon Tum đã đầu tư về hạ tầng, nhưng vẫn tái định cư cho dân ở với giá đất của UBND tỉnh là 450.000đ/m2, không tính giá trị đầu tư hạ tầng. Riêng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, Nhà nước có một cơ chế cho người dân là nếu người dân khó khăn về vấn đề tiền tái định cư, không có khả năng nộp nghĩa vụ tài chính thì Nhà nước có gia hạn 5 năm, người dân được ghi nợ. Sau 5 năm, người dân có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm người dân được giao đất.

PV: Dự án quy hoạch đường Trương Quang Trọng đã từ lâu và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Như vậy có phương án giải quyết cụ thể nào để người dân an tâm sản xuất và ổn định cuộc sống?

Ông Bùi Văn Thọ: Hiện nay có một số hộ đã di dời, nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng rồi. Số diện tích đó đã bàn giao Nhà nước. Tuy nhiên còn lại 78 hộ chưa nhận tiền, thực chất hiện nay người dẫn vẫn đang sản xuất ở đó chứ Nhà nước không cấm người dân không được sản xuất. Tới khi nào chúng tôi vận động được người dân về bồi thường giải phóng mặt bằng để người dân hiểu và thấu tình đạt lý, để người ta nhận tiền bồi thường và chuyển đi nơi khác thì chúng tôi sẽ giao đất đó cho Nhà nước thực hiện. Hiện nay công tác vận động không phải riêng ở Trung tâm Phát triển Qũy đất, mà đây là nhiệm vụ của hệ thống chính trị cùng vào cuộc và thực ra là đã vào cuộc từ lâu rồi.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Thu Trang – Tấn Thành 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *