(kontumtv.vn) – Để giải quyết thực tế này phải thay đổi chính sách, phải coi trọng thực sự những người trực tiếp làm khoa học.

“Chưa coi trọng thực sự những người làm khoa học thật”

Việt Nam có một đội ngũ trí thức rất lớn (khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và hàng trăm ngàn tiến sỹ, thạc sĩ…), nhưng vị thế của nền khoa học Việt Nam lại chưa tương xứng: Theo báo cáo tình hình khoa học thế giới do UNESCO thực hiện, có 145 quốc gia được xếp hạng về kinh tế tri thức thì Việt Nam ở vị trí 106/145. Chỉ số phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam mới chiếm vài phần trăm.

GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam (Ảnh: K.A)

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang -Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hạn chế của đội ngũ trí thức Việt Nam đã được nói tới rất nhiều. Nguyên nhân sâu xa của hạn chế này đó là thực tế rất nhiều năm chúng ta chưa nhìn thẳng vào cái gọi là “ảnh hưởng của quá khứ”, đó là tình trạng “sính bằng cấp” của người Việt, nên mới có hiện tượng nhiều người lấy bằng cấp rồi đi làm công việc khác. Họ chỉ là trí thức hình thức, chứ không theo nghĩa thực.

Đồng tình với quan điểm của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng cho rằng, không vì hiện tượng trên mà chúng ta không đào tạo hay hạn chế đào tạo tiến sĩ. Bởi đào tạo tiến sĩ không chỉ là chuyện một cấp học mà là quá trình đào tạo ra một trí thức với những phương pháp nghiên cứu, ứng xử với những vấn đề khoa học.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Minh Giang, cơ chế hiện nay của chúng ta chưa chú trọng, chưa coi trọng thực sự những người làm khoa học thật mà vẫn lấy tiêu chí tiến sĩ hay giáo sư để làm việc khác nhiều hơn. Để giải quyết tình trạng này, ông Giang kiến nghị tới đây phải thay đổi chính sách, để làm sao coi trọng thực sự những người trực tiếp làm khoa học, tự nhiên chất lượng đội ngũ trí thức sẽ được nâng cao.

 Thiết lập lại cơ chế mới để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Để giải quyết hạn chế này, Nghị quyết TW 6 về khoa học công nghệ đã đặt ra những yêu cầu cụ thể, tuy nhiên chúng ta cũng phải có đổi mới cả công tác quản lý khoa học công nghệ bởi nếu để tình trạng hiện nay rất khó có thể tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao.

GS.TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại phòng thu trực tiếp của VOV (Ảnh: K.A)

Chia sẻ về con số 9.000 giáo sư như thông tin vừa nêu, GS.TS, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân giải thích đây là con số giáo sư đã phong từ khi có đất nước Việt Nam. Thực tế hiện nay số giáo sư làm việc trong nước chỉ khoảng 400 và khoảng 2.500 Phó giáo sư.

Về thông tin báo chí có nói Việt Nam đào tạo nhiều tiến sĩ, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thực tế tỷ lệ tiến sĩ của Việt Nam so với các nước trên thế giới rất thấp. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, Singapore có dân số tuyệt đối là 5 triệu người, số người có trình độ tiến sĩ làm khoa học là 27.000 người; ở Thái Lan là 21.000; còn Việt Nam có gần 10.000 người trực tiếp làm khoa học trong khi  dân số là 90 triệu người.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đưa ra những con số này để thấy rằng tỷ lệ tiến sĩ của Việt Nam không hề cao. Bên cạnh việc sử dụng, phát huy chưa tốt, sự đóng góp của đội ngũ của trí thức còn hạn chế vì chẳng những số lượng người làm khoa học ít mà đầu tư về tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học cũng rất hạn chế.

GS.TS  Nguyễn Thiện Nhân nêu tiếp ví dụ của Singapore: “Họ có 5 triệu dân, họ đầu tư 5 tỷ USD/năm; trong khi chúng ta có 90 triệu dân, đầu tư cho khoa học bình quân cả nước khoảng 1 tỷ USD/năm. Cả hai đầu vào của chúng ta đều thấp: số người làm khoa học ít và đầu tư ít, nên đóng góp của đội ngũ trí thức còn hạn chế. Đó là quá trình lịch sử”, ông Nhân nói.

GS.TS  Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, “việc chúng ta phải làm bây giờ là thiết lập lại cơ chế mới, từ khâu đối xử, xây dựng đề tài kế hoạch và đầu tư Nhà nước để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức”./.

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *