(kontumtv.vn) – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đề nghị tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên theo học đại học hệ chính quy để các em yên tâm học hành vì số lượng này không nhiều.

Thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ

Liên quan đến quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 19/1, Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho biết hiện có nhiều loại ý kiến khác nhau.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa, việc thu hẹp diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là một chủ trương đúng nhằm khắc phục những bất cập về cơ cấu, thành phần thanh niên nhập ngũ hàng năm hiện nay, đồng thời hạn chế việc lợi dụng trốn tránh thực hiện NVQS tại ngũ, trong đó có lợi dụng chính sách tạm hoãn đối với học sinh, sinh viên.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì cùng với việc giảm đối tượng tạm hoãn thực hiện NVQS tại ngũ trong thời bình, cần phải có chính sách phù hợp, và mở rộng các hình thức để thanh niên có trình độ cao có cơ hội thực hiện chế độ NVQS đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng hiện đại, sẵn sàng đối phó với các loại hình chiến tranh công nghệ cao hiện nay, đồng thời tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Tuổi trẻ lên đường nhập ngũ

Đa số ý kiến Thường trực UBQPAN đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay thì cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình cụ thể.

“Sinh viên gọi nhập ngũ hiện nay rất thấp, chỉ đạt 5%. Mỗi năm một tỉnh gọi được mấy chục sinh viên thì cũng biên chế vào các đơn vị khác nhau. Ngoài ra, lĩnh vực học tập khác nhau nên khi vào một đơn vị cũng khó sử dụng vào sử dụng binh khí kỹ thuật hiện đại. Do đó, nếu gọi nhập ngũ sau đại học thì phải tuyển số lượng lớn thì mới có giá trị”, ông Nguyễn Kim Khoa đề nghị.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – ông Đào Trọng Thi, số lượng sinh viên theo học hệ đại học chính quy không nhiều và việc tạo điều kiện cho các em theo học cũng nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, do đó nên gọi nhập ngũ đối tượng này sau khi hoàn thành chương trình học.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên theo học đại học hệ chính quy để các em yên tâm học hành vì số lượng này không nhiều. Cùng với đó nghiên cứu kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ để các em có thể cống hiến trong quân đội sau khi học xong.

Nghĩa vụ quan sự không thể thay thế bằng đóng tiền

Về nghĩa vụ quân sự và các hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận như thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình được quy định tại Điều 4 dự thảo luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với quy định của dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ; một số ý kiến đề nghị quy định nghĩa vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

“NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, do đó việc quy định nghĩa vụ dân sự thay thế như nghĩa vụ đóng tiền hoặc nghĩa vụ lao động công ích là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS”, ông Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để thực hiện yêu cầu bảo đảm công bằng xã hội trong thực thiện NVQS tại ngũ và công bằng xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị quy định một số hình thức thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận như thực hiện NVQS tại ngũ trong thời bình, nhằm ghi nhận sự đóng góp, khuyến khích công dân thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng vũ trang và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Theo đó, Điều 4a quy định công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc được công nhận như thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong thời bình gồm Công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang: Hoàn thành nghĩa vụ phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất mười hai tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực; Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã từ đủ 36 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo sĩ quan dự bị.

Công dân thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh: Thanh niên trí thức tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế – quốc phòng từ 24 tháng trở lên theo quy định của Chính phủ; Công dân phục vụ trong lực lượng Kiểm ngư Việt Nam là Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư từ 24 tháng trở lên; Thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ trong vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

Về quy định “Sinh viên, học viên đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy trình độ đại học trở lên tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng theo quy định của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ, vì không đảm bảo tính khả thi, tạo sự không công bằng giữa người có tiền và không có tiền./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *