(kontumtv.vn) – Huyện Sa Thầy tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng điểm cao 1015, điểm cao 1049 và chào mừng di tích lịch sử điểm cao 1015, điểm cao 1049 được bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.  

Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy A Pớt; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm; các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân gồm Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Sư Đoàn trưởng Sư đoàn 320 cùng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320 và 85 cựu chiến binh ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Cao Bằng từng tham gia chiến đấu tại 02 Điểm cao lịch sử 1015, 1049 ở 2 xã Rờ Kơi và Hơ Moong của huyện Sa Thầy.

Trong chiến dịch Xuân – Hè năm 1972, Điểm cao 1015 có tên gọi đồi Sạc Ly, thuộc địa phận xã Rờ Kơi. Điểm cao 1049 là căn cứ Delta nằm ở xã Hơ Moong và xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, trước đây là H67. Hai điểm cao đều thuộc tuyến phòng ngự phía Tây sông Pô Kô do Tiểu đoàn Dù 11 và Tiểu đoàn Dù 02, Lữ đoàn Dù 02, Quân lực Việt Nam cộng hòa chiếm giữ. Từ 30/03 đến 21/04/1972, sau những ngày giao tranh quyết liệt, các chiến sỹ Trung đoàn Bộ binh 64, Trung đoàn Bộ binh 52, Tiểu đoàn 01 của Trung đoàn 48, Tiểu đoàn Đặc công 19 thuộc Sư đoàn 320 cùng quân và dân địa phương đã hoàn toàn làm chủ hai điểm cao, tạo bàn đạp vững chắc để các lực lượng khác tiến vào giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh ngày 24/04/1972. 50 năm sau chiến thắng Xuân – Hè năm 1972, Điểm cao 1015, 1049 đã được xếp hạng bổ sung vào quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh.

Dự lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang, ý chí chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của các chiến sĩ Sư đoàn 320 trong Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972 với chiến thắng tại 02 Điểm cao 1015, 1049 và chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh vào ngày 24/04/1972. Những chiến thắng này đã góp phần phá vỡ thế trận phòng ngự của địch ở khu vực Bắc Tây Nguyên, khai thông biên giới, phát triển và mở rộng vùng giải phóng phía Tây thị xã Kon Tum, tạo thời cơ thuận lợi để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Dự lễ kỷ niệm, những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại 02 Điểm cao 1015, 1049 bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước tình cảm, sự quan tâm chu đáo của Đảng bộ và nhân dân huyện Sa Thầy đối với những phần mộ liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong Chiến dịch Xuân – Hè năm 1972; đồng thời mong muốn địa phương Sa Thầy tiếp tục vươn lên, phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng anh hùng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm đã tri ân sâu sắc đến thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Đồng thời đề nghị huyện Sa Thầy tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công; tăng cường quản lý, bảo vệ đối với Di tích lịch sử Điểm cao 1015, 1049, đưa nơi đây trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác quy tập hài cốt liệt sĩ; phối hợp chặt chẽ với huyện Sa Thầy chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, thờ cúng liệt sĩ cũng như đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm từ hào dân tộc trong mỗi thế hệ, góp phần xây dựng quê hương Kon Tum ngày một giàu mạnh.

Nhân dịp này, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội trao tặng hơn 30.600 cuốn sách cho giáo viên, học sinh huyện Sa Thầy với tổng trị giá trên 730 triệu đồng./.

Thu Trang – Công Luận

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *