(kontumtv.vn) – Sách giáo khoa mới sẽ tập trung giáo dục năng lực, phẩm chất và truyền thụ tri thức cho học sinh.

Nghị quyết số 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã được đưa vào thực hiện từ cuối năm 2013, đến nay đã có những kết quả đầu tiên, thậm chí là cả sự thay đổi phần nào từ trong tư duy những người làm giáo dục. Đó có thể là cách ra đề thi Đại học và Cao đẳng năm nay với cách ra đề rất mở, tiệm cận với thực tế cho thí sinh cơ hội được bày tỏ quan điểm và sự hiểu biết. Đó có thể là những đổi mới mang tính kỹ thuật nghiệp vụ hơn như mô hình trường học mới, phương pháp “bàn tay nặn bột” du nhập từ nước Pháp đang được thử nghiệm tại nhiều trường tiểu học cơ sở…

Tuy nhiên, dường như vẫn còn đó rất nhiều lo lắng, trăn trở thể hiện qua sự tăng vọt của số lượng thư gửi về cho chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 đến nay. Có thể những nỗi âu lo tỉ lệ thuận với một năm học mới lại sắp bắt đầu. Chính vì vậy, trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ trực tiếp trả lời những vấn đề này với người dân.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

 PV: Thưa Bộ trưởng, thời điểm Năm học mới cũng cận kề, chúng ta lại có cơ hội để tiếp tục thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn dện giáo dục và đào tạo, sẽ có cơ hội để thực hiện những bộ sách giáo khoa mới, những phương pháp giảng dạy và thi cử mới mà năm học vừa qua chưa kịp triển khai, chưa kịp hoàn thiện. Trong một lá thư gần đây của một em học sinh lớp 12 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang gửi tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công khai trên mạng Internet và được rất nhiều người ủng hộ. Chúng tôi thấy có một ý kiến rất đang lưu tâm trong quá trình chúng ta biên soạn sách giáo khoa mới –điều được coi là xương sống của Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Xin được trích nguyên văn để Bộ trưởng cùng suy ngẫm “Chính Bộ GD-ĐT đã độc quyền sách giáo khoa, đã tạo ra một bộ sách giáo khoa với điều khó, khó hiểu, khó để tự học và khó để vận dụng vào đời sống thực tế. Chính bộ sách “3 khó này và kỳ thi 3 chung phân ban đã đẩy học sinh vào xu thế phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ ĐH, chấp nhận từ bỏ niềm vui khi khám phá tìm tòi tri thức”. Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây là nhận định đúng của các học sinh. Chương trình và sách giáo khoa mà chúng ta đang sử dụng được thiết kế và biên soạn theo tư duy là chú trọng truyền thụ kiến thức và khi chúng ta truyền đạt như vậy thì tiêu chí đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông là do vị trí, tầm quan trọng, mức độ phát triển của khoa học quyết định. Với sự bùng nổ của những thành tựu khoa học công nghệ, thì sẽ dồn từ bậc học cao như từ đào tạo tiến sỹ trở xuống dẫn đến các chương trình dạy và học ở phổ thông được tăng cường. Cũng do cách thức thiết kế sách giáo khoa theo từng lĩnh vực khoa học, làm cho kiến thức dạy và học trong trường phổ thông mang tính hàn lâm và không gần cuộc sống. Khi đó, việc không dễ hiểu và không tự học là chuyện bình thường. Do vậy, hạn chế tính sáng tạo, tự học của học sinh.

Trong quá trình chuẩn bị Đề án để Trung ương ban hành Nghị quyết 29, Bộ GD-ĐT cũng đã phân tích rất kỹ hạn chế trên và đi đến quyết định chiến lược là chuyển đến nền giáo dục chú trọng năng lực và phẩm chất, kiến thức, tri thức và việc truyền thụ tri thức cho học sinh được coi là nhiệm vụ số 1. Việc truyền thụ đó là mục tiêu trung gian, thậm chí coi là công cụ để các cháu từng bước củng cố và nâng cao kỹ năng phẩm chất trong quá trình phát triển thành con người mới.

Nói về phân ban khối thi và “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển), thì cách đây 40 năm tôi đi thi đại học cũng đã thi theo khối và số lượng các khối thi lúc đó chưa nhiều như bây giờ và được duy trì đến nay và có sự thay đổi là khối thi tăng lên. Khi chúng ta thi theo khối đó, dẫn đến các cháu học ưu tiên các môn, còn việc thi “3 chung” đã xuất hiện cách đây từ 10-20 năm, từ thực tế thi theo khối do các trường học tự lo dẫn đến tình trạng bức xúc trong xã hội, ý thức được việc này, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc và quyết định là thay vì từng trường ra đề theo khối thi thì Bộ ra đề thi và chung trường, chung đợt giúp cho các trường có điều kiện tập trung hoạt động chuyên môn. Nếu chúng ta không thay đổi thì không phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và tình hình hội nhập với thế giới, chúng tôi đang tính toán phương án thay đổi phương thức thi cử nói chung, trong đấy có thi tuyển sinh.

 PV: Liên quan đến Đề án Đổi mới toàn diện căn bản nền giáo dục nước nhà thì một thính giả hưu trí có băn khoăn: “Học thế nào thì thi thế ấy. Tôi không biết năm 2015,Bộ có còn cho thi ĐH tập trung nữa hay không, nhưng các cháu tôi từ cấp THCSđến nay đã được định hướng học và ôn thi đại học theo các khối A, B, C rồi. Chúng nó học lệch hết cả, giờ đổi mới toàn diện, mọi mặt ngay lập tức thì liệu các cháu tôi có đứt gánh giữa đường không”?

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi cho rằng, các ý kiến của xã hội trước bất kỳ sự thay đổi nào đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục đều khác nhau, trái chiều có và đều đúng cả. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là phải thay đổi, nhưng có lộ trình và không đột ngột, không gây khó cho các cháu, không gây khó cho xã hội và làm từng bước, căn bản. Việc này chúng tôi đã triển khai và trong quá trình chỉ đạo dạy và học đã yêu cầu giảm tải, thay đổi nội dung, đặc biệt là cách thức thi kiểm tra trong quá trình học của các cháu, trên cơ sở chuẩn bị chu đáo như vậy thì việc thi tốt nghiệp THPT trong năm 2014 vừa rồi đã có sự thay đổi lớn, thi tuyển sinh ĐH cũng đúng theo hướng là kiểm tra năng lực không kiểm tra kiến thức thụ động của các cháu nữa. Trước khi tổ chức, xã hội cũng có băn khoăn, nhưng qua thực tiễn cho thấy, các cháu đón nhận sự thay đổi của kỳ thi một cách nhẹ nhàng, dễ dàng, các thầy cô giáo cũng đón nhận phấn khởi và ý thức được rằng sẽ tiếp tục có thay đổi trong cách dạy, cách học trong những năm tới.

 PV: Một học sinh tên là Trần Hà Phương ở miền Trung có gửi thư về chuyên mục cho biết: “Kính thưa Bộ trưởng, cháu là một thí sinh vừa thi ĐH và không đậu nguyện vọng 1 vào trường dự thi. Năm nay, cháu định ở nhà ôn để năm sau thi tiếpnhưng cháu mới biết tin Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới toàn diện giáo dục và việc thi cử từ năm sau, đặc biệt là không tổ chức thi ĐH nữa. Vậy những thí sinh muốn thi lại ĐHnhư cháu thì sẽ như thế nào? Kính mong Bộ trưởng có câu trả lời sớm để cháu xác định lại nên học nguyện vọng 2 hay năm tới thi lại. Xin mời Bộ trưởng làm rõ thông tin này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tất cả những thay đổi trong quá trình dạy và học kiểm tra đánh giá thi cử trong năm học đặc biệt sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học đều phải tính toán đến lợi ích của các cháu với những yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật để tiến tới sự đổi mới căn bản, nhằm đào tạo ra một thế hệ trẻ có năng lực phẩm chất và đáp ứng yêu cầu. Với từng bước đi cụ thể và tính đến yếu tố đặc điểm tâm sinh lý, và lợi ích của con trẻ. Làm sao tính toán đổi mới để các cháu phát triển thuận lợi, hoàn thiện hơn và không tạo “sốc”.

Tôi đảm bảo rằng, những ưu việt của kỳ thi tuyển sinh vừa qua sẽ được bảo lưu và những đổi mới của kỳ thi tới đây cũng theo lộ trình là các cháu sẽ thuận lợi hơn. Trước kia, thi hai kỳ nhưng bây giờ các cháu thi một kỳ, bài làm theo hướng không phải học thuộc lòng mà là đánh giá nhận thức, tình cảm, ý thức đối với những vấn đề của đất nước, xã hội. Qua kỳ thi này, nhà trường sẽ có những đánh giá chính xác về năng lực của học sinh. Còn phần khó, nếu có thì nhà trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý chúng tôi phải đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu và phụ huynh học sinh, không để các cháu khó khăn trong cả quá trình học và thi cử./.

 PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Văn Hiếu/VOV-Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *