(kontumtv.vn) – Bộ trưởng mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri. Nợ công hiện nay đang nằm trong giới hạn cho phép nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015, Đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) đề cập vấn đề sử dụng công nghiệp thông tin cho lĩnh vực nông nghiệp, nông sản của VN ra trường thế giới, giúp cho nền nông nghiệp VN vững mạnh, nông dân không bị rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay. Đại biểu cho rằng đây là một sự đáng ngạc nhiên là tại sao không đặt ra những định chế để phát triển sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa như các nước trên thế giới đã làm hàng trăm năm qua.

Nước ta hiện nay đang đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu các mặt hàng nông sản có giá trị cao. Đưa ra 3 loại nông sản tiêu biểu và quan trọng nhất: hồ tiêu, gạo và cà phê. Để có thể hình dung được con số 6,3 tỷ USD do người nông dân mang lại, lượng nông sản xuất khẩu của VN hiện nay cũng không nhỏ trên thương trường thế giới tuy nhiên trừ hồ tiêu, những năm qua, người nông dân đã phần nào quyết định được giá cả hợp lý cho sản phẩm của mình, còn lại gạo và cà phê cùng nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn nằm trong thế bấp bênh. Bấp bênh không chỉ do thiếu tính ổn định giá cả từ bên ngoài thị trường mà còn do các định chế.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên thảo luận

Trên thị trường hiện nay, đại biểu cho rằng đang thừa những quy định mang tính tự trói buộc nhưng thiếu những biện pháp hỗ trợ người nông dân tham gia và quyết định thành quả của họ. Ví như gạo, nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh về việc tạo cơ chế cho sự độc quyền xuất khẩu phát triển nhưng chưa có biện pháp khả dĩ nào khống chế điều này. Người nông dân chưa hề có niềm vui được mùa bởi họ biết trước mắt họ là nguy cơ bị ép giá. Trong quá khứ ta đã từng có sàn giao dịch Bình Phước, sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ nhưng tất cả đều nhanh chóng chết yểu mặc dù nhà nước đã đầu tư số tiền hàng trăm tỷ đồng vào đó.

Nhiều ý kiến cho rằng nông dân không mặn mà với cách thức mua bán của sàn giao dịch bởi họ chỉ biết và quen với cách thức giao dịch truyền thống. Theo đại biểu, đó chỉ là một lý do, lý do chính là chúng ta chưa tạo ra đúng những định chế theo cơ chế thị trường, nhiều sàn giao dịch bị trói buộc với những quy định rất lạ với thông lệ quốc tế khiến chúng ta khó hòa nhập.

Đại biểu cho rằng đã đến lúc tìm kiếm những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực sàn giao dịch để tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền ban hành những quy định phù hợp. Chưa làm được điều này, theo đại biểu, người nông dân chưa thể có một chỗ đứng minh bạch tham gia định đoạt công khai giá cả cho sản phẩm của mình; còn bằng lòng với những cách làm truyền thống, áp đặt định hướng của riêng mình lên trên quy luật chung của thị trường khi đó vẫn còn những vấn nạn độc quyền trong các chợ cũ quỹ trong khi các nước láng giềng đã thay đổi hàng chục năm qua, điều đó cũng hạn chế rất lớn sự hòa nhập vào thị trường chung của thế giới.

“Chúng ta tự hào về xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng thực chất giá trị lợi nhuận mang lại không lớn; người nông dân làm ra những mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn; tham gia kết nối cung cầu yếu kém thì việc đứng đầu thế giới không có ý nghĩa gì”- Đại biểu mong muốn sàn giao dịch nông sản điện tử của Việt Nam có chất lượng sẽ sớm ra đời để nông sản Việt Nam được phát triển và khẳng định trên trường thế giới, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thương mại thời kỳ mới.

Đại biểu Đinh Thị Phương nhấn mạnh ĐBSCl có vai trò quan trọng trong ổn định nông nghiệp và an ninh lương thực nhưng hiện đang đối diện khó khăn: Điệp khúc được mùa mất gia do thiếu liên kết, nhất là liên kết vùng, chưa có dự báo cung- cầu hợp lý, chưa phát huy lợi thế so sánh giữa các địa phương, thiếu liên kết giữa nông dân-nông dân, nông dân- doanh nghiệp.

Do đó, đại biểu cho rằng cần có giải pháp thật căn cơ, tăng liên kết vùng và lãnh thổ, phát huy vai trò động lực và lợi thế của các địa phương cũng như công tác dự báo thị trường

Cho rằng chỉ số cạnh tranh của các ngành hàng nông sản còn thấp, đại biểu đề nghị Chính phủ cần dành khoản ngân sách thỏa đáng để nghiên cứu về giống và chuyển đổi khoa học công nghệ, đặc biệt là sau thu hoạch; cần có giải pháp mạnh tay hơn trong khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và nông nghiệp.

Một thực tế là đời sống nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn, việc điều hòa lợi ích trong chuỗi còn hạn chế vì người dân chưa được coi là gốc của chuỗi, trong khi họ gặp nhiều rủi ro, thiệt thòi. Cần xem xét nông dân là cái gốc trong chuỗi của từng ngành hàng để tử đó có các chính sách tác động thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó là công tác đào tạo nghề theo hướng chọn ngành nghề trọng điểm phù hợp với vùng.

Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực Tam Nông còn kém. Lấy ví dụ về phân bón giả, kém chất lượng tràn lan nhưng ít khi thấy doanh nghiệp bị xử lý. Đại biểu đề nghị cần rà soát lại chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chính sách thực sự là cú hích cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình ktxh năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015.

Đại biểu cho rằng về công tác đối ngoại năm 2014 trong bối cảnh quốc tế và khu vực cùng những diễn biến trên biển Đông đã đặt ra những khó khăn nhất định cho công tác điều hành phát triển kinh tế xã hội trong đó có công tác đối ngoại của Nhà nước.

Mặc dù với nhiều thách thức nảy sinh, hoạt động đối ngoại trong năm đạt nhiều kết quả tích cực nổi bật là lập trường của Việt Nam trong các quan hệ, diễn đàn quốc tế và vấn đề Biển Đông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều Chính phủ, Nghị viện trên thế giới. Các điều ước, thỏa thuận quốc tế đặc biệt các Hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán hứa hẹn sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thống nhất với đánh giá của Báo cáo nêu rõ vấn đề hội nhập quốc tế của Việt Nam chưa thực sự chủ động; hiệu quả giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế chưa cao, đại biểu cho rằng vai trò dẫn dắt của cơ quan Nhà nước, của các tổ chức và hiệp hội trong thời gian qua còn chưa rõ và chưa đậm nét trong việc hỗ trợ DN tham gia chủ động hơn trong các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh, thương mại với các đối tác nước ngoài; ngoại trừ vai trò tích cực trong việc tổ chức các diễn đàn, hội thảo và đối thoại của Bộ Công thương và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam; phần lớn các DN hiện nay mới chỉ được cung cấp các thông tin cơ bản, trong khi điều DN cần là thông tin cụ thể về thị trường xuất khẩu gắn với từng lĩnh vực, ngành hàng thuộc lĩnh vực của mình thì còn thiếu.

Trong bối cảnh lộ trình cộng đồng kinh tế ASEAN, một trong 3 trụ cột chính của cộng đồng ASEAN, các đàm phán tham gia vào các cơ chế thương mại, kinh tế lớn như Hiệp định đối tác xuyên TBD và với EU đang dần trở thành hiện thực, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quan tâm; các bộ, ngành cần có kế hoạch cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin sâu về những cơ hội và thách thức của Việt Nam cũng như DN Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định này, đặc biệt phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, các cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế và các thương vụ của Việt Nam những người nắm rõ tình hình nước sở tại để làm cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, tránh thua thiệt cho các DN trong nước khi tham gia các kết này.

Bổ sung vào phương hướng và giải pháp, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm rà soát các điều ước quốc tế như các hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận và đánh giá lại hiệu quả triển khai nội dung trong các điều ước này; đồng thời cần định hướng cụ thể đối với các ngành và địa phương khi tham gia ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác trên cơ sở tương quan về năng lực, khả năng của ngành và địa phương trong nước để đảm bảo cho những ký kết được triển khai có thực chất, làm lợi cho địa phương, cho đất nước, đạt được các mục tiêu của hoạt động đối ngoại.

Quốc hội đã thông qua Luật Môi trường sửa đổi tại kỳ họp thứ 7, đang thảo luận tại kỳ này về Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo cùng với 3 Nghị định, 27 Thông tư liên quan tới tài nguyên môi trường. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu thấy rằng Luật về bảo vệ môi trường  ngày càng được hoàn thiện xong trên thực tế tình hình vi phạm về môi trường vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở nhiều lĩnh vực và hầu hết các địa phương. Tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt, hóa chất công nghiệp, rác thải y tế chưa được xử lý triệt để và cải thiện còn rất chậm. Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý đến 10.065 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; Trong số các vi phạm pháp luật về môi trường, năm 2014 nổi lên các vi phạm về xả thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề.

Lo ngại trước những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường đến đời sống người dân, ngay tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các Khu kinh tế và làng nghề; Nghị quyết đã giao cho Chính phủ thực hiện 7 nhiệm vụ giải pháp gắn với giải quyết môi trường khu kinh tế ven biển và làng nghề. Đến nay theo báo cáo của Chính phủ các chỉ tiêu về môi trường đều đạt và vượt, tuy nhiên theo đại biểu, Báo cáo chưa chỉ ra được các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gần ngưỡng nghiêm trọng, mới phát sinh sau quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ và nếu có được xử lý ra sao, các biện pháp xử lý như thế nào cũng chưa được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo bổ sung của Bộ Tài nguyên-Môi trường.

Về các giải pháp đưa ra hiện nay, đại biểu cho rằng chưa có tính dài hạn và bền vững, nhất là khi các cơ sở sản xuất, cơ sở tái chế phế thải hoặc núp bóng làng nghề gia công sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường; các DN sản xuất sử dụng các biện pháp tinh vi để xả thải chưa qua xử lý qua mặt các cơ quan chức năng vẫn chưa chấm dứt. Tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường thời gian gần đây ở các quốc gia láng giềng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hệ quả là một loạt các nhà đầu tư lớn đang rút dần các hoạt động sản xuất kinh doanh khỏi các đất nước này làm mất đi khoản ngoại tệ lớn và những hệ lụy về lao động, việc làm là bài học hiện hữu cho Việt Nam. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật nhất là các quy định về đánh giá tác động môi trường; về thủ tục xử phạt, cơ chế phát hiện vi phạm và quan trọng hơn là thực hiện đúng, nghiêm minh triệt để trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe các vụ việc có thể xảy ra.

Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cử tri cho rằng thời gian gần đây Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải cách các thủ tục hành chính nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 69 của QH về công tác cải cách hành chính, các giấy tờ thủ tục đã phần nào được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người dân được thuận lợi hơn khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như khám chữa bệnh bằng BHYT. Tuy nhiên cử tri cũng cho rằng, nhiều thủ tục hành chính vẫn còn quá rườm rà, xuất hiện nhiều giấy phép cháu, giấy phép con, gây mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân nhất là trong lĩnh vực kê khai thuế, đất đai, các thủ tục liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Ngoài ra, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính ở các cơ quan công quyền còn diễn ra khá phổ biến, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành thực hiện triệt để các quy định hiện hành về cải cách hành chính, nhất là thái độ của công chức, viên chức trong tiếp dân, giải quyết các công việc của nhân dân mà cần đến thủ tục hành chính và cần có cơ chế hưu hiệu đủ mạnh cho việc giám sát đội ngũ này trong thực thi công vụ giải quyết công việc của người dân.

Đại biểu Bế Xuân Trường bày tỏ, hàng của Việt Nam không cạnh tranh được bởi lẽ chủ yếu gia công, lắp ráp, thiếu linh hồn của công nghệ cao.

Theo đại biểu, khai thác tài nguyên mãi cũng cạn, nhưng cái khai thác không hết là trí tuệ, quan trọng nhất chính là cơ chế chính sách chiêu hiền đãi sĩ để phát huy yếu tố này; trong đó ưu tiên hợp lý xây dựng cơ sở công nghiệp, đào tạo thì sẽ có bước tiến. Có công nghệ cao mới có thể thực hiện được nền kinh tế độc lập tự chủ, là nền tảng cho công nghiệp quốc phòng an ninh phát triển, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy những tồn tại khiến nền kinh tế chưa phát triển vững chắc. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ ra khá thẳng thắn, tuy nhiên qua phản ánh của báo chí, cử tri, cần cân nhắc để có đánh giá chuẩn xác nhất về nợ công, nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Từ những số liệu chuẩn xác, Quốc hội mới có thể xem xét để cân đối NSNN và cử tri thấy rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình để góp phần tăng trưởng kinh tế những năm tới.

Đại biểu cho rằng, nhìn nhận về phát triển kinh tế không chỉ qua các số liệu đã đạt được mà còn cần đánh giá về hiệu quả của đầu tư phát triển, dễ thấy là sự lãng phí từ đầu tư phát triển, một số nhà văn hóa, trung tâm thương mại, trụ sở, sân thể thao, quỹ đất hiệu quả còn rất hạn chế. Ngay cả đầu tư cho giao thông về cơ bản có hiệu quả nhưng cũng không ít dự án gây bức xúc cho cử tri như một số tuyến đường vừa khánh thành đã lún nứt; hay trong 19 đường hầm đi bộ ở Hà Nội thì có 4 đường hầm đóng cửa không sử dụng.

Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, năm 2014, Chính phủ tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương đã chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường song cũng còn chưa thật quyết liệt trong tổ chức thực hiện và giám sát, thanh tra, xử lý.

Xử lý tồn đọng quỹ nhà, quỹ đất của thị trường bất động sản theo Bộ Xây dựng tính đến hết tháng 12/2013 cả nước có 4.015 dự án phát triển nhà ở khu đô thị mới với tổng số vốn gần 4,5 triệu tỷ đồng; quỹ đất tới 102.000 ha nhưng đã kiểm tra khai thác quỹ đất đến đâu chưa được thanh tra xử lý quyết liệt.

Việc xây dựng giám sát thực hiện chính sách đất đai được tập trung ở cấp Trung ương và các bộ ngành có liên quan; thực thi chính sách ở cấp tỉnh ở phạm vi hẹp hơn cấp xã, huyện nhưng ở các cấp này đang thiếu, yếu về năng lực, tồn tại này, theo đại biểu cần được nêu trong đánh giá tình hình kinh tế xã hội 2014.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đồng tình về những kết quả và hạn chế được nêu ra trong báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng có những hạn chế đã được nêu ra nhiều lần nhưng chưa được xử lý.

Đại biểu cũng nhấn mạnh hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tệ nạn xã hội, tội phạm gây bức xúc… cần được phân tích rõ hơn và có giải pháp thuyết phục

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bổ sung số liệu, biểu so sánh thống kê với các quốc gia trong khu vực để chúng ta hiểu rõ hơn về sức cạnh tranh, những việc làm được, chưa làm được để tránh tình trạng tụt.hậu khi tham gia hội nhập.

Theo đại biểu Lê Thị Nga, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm. Thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình ví dụ như vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ; vụ JTC đường sắt… Đáng chú ý, tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn như trên lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài.

Đại biểu Lê Thị Nga

ODA cũng là một phần của đầu tư công và nợ công, có tác động đến vị thế và uy tín quốc gia, nhưng những năm qua, trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA đã chưa được coi trọng. Qua 20 năm, Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan của Quốc hội phụ trách về kinh tế, ngân sách nhưng Ủy ban kinh tế và Ủy ban tài chính ngân sách cũng chưa lần nào giám sát chuyên đề này.

Thực tế, năm 1999 và năm 2003, Ủy ban đối ngoại có 2 lần giám sát. Năm 2006 khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban đối ngoại một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị giám sát của lần trước. Cho rằng đây là một nguyên nhân không nhỏ làm cho những bất cập, sai phạm trong sử dụng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc Hội tiến hành giám sát ODA. Từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA vì bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển.

Cũng theo đại biểu Nga, về hành lang pháp lý hiện tại là chưa đủ, mới chỉ ở cấp Nghị định. Quốc hội – người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và Người dân – chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình ODA

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc Hội ban hành Luật quản lý, sử dụng ODA theo hướng chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch số vốn, quy trình phân bổ, vấn đề phản biện độc lập; quy định về trách nhiệm…

Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) cho rằng thực trạng đất nước đang hiện hữu nhiều khó khăn, yếu kém, nhất là các ngành sản xuất vật chất. Nhiều chuyên gia và các nhà kinh tế đều bình luận về động lực của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã không còn dư địa. Những bài học tổng kết từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI giờ vẫn còn tính thời sự, bài học lấy dân làm gốc, bài học tôn trọng thực tế và quy luật khách quan, bài học phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Thông tin với Quốc hội về thực trạng của ngư dân hiện nay, đại biểu Lê Nam cho rằng đó là điều đáng suy nghĩ. Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Hiệp định Nghề cá vịnh Bắc bộ tại thành phố Đà Nẵng ngày 19/9/2014 cho biết, tàu cá của Việt Nam hoạt động trong vùng đánh cá chung chỉ chiếm 17% trên tổng số 26.022 tàu cá được cấp phép. Tàu đánh cá của ta đa phần là tàu vỏ gỗ, trang thiết bị hạn chế, khả năng chịu sóng gió kém.

Theo đại biểu, tại kỳ họp này, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đều đề cập đến ngư dân rất khiêm tốn và mờ nhạt. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội dành 16.000 tỷ đồng để tăng cường đầu tư bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đã thực hiện như thế nào, chưa thấy báo cáo nào của Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Đại biểu nhấn mạnh cử tri là ngư dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tích cực hơn, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện một chính sách quá đúng đắn, quá hợp lòng dân. Chính phủ cần báo cáo kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết dành 16.000 tỷ đồng để bảo vệ chủ quyền trên biển.

Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang đề cập vấn đề năng suất lao động thấp của Việt Nam và thu nhập của người nông dân thấp cũng như các giải pháp.

Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Quang Trung)

Về thông tin trên báo chí, năng suất lao động của người Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á-TBD, Chủ tịch UBTW MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng do không được thông tin đầy đủ về cách tính năng suất lao động của ILO nên có ý kiến cho rằng do trình độ nghề nghiệp của lao động thấp.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhận định như vậy là chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của khái niệm năng suất lao động và thực tế của Việt Nam vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của một đất nước và do một hệ thống nhiều yếu tố chi phối, không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động.

Tổ chức ILO tính năng suất như sau: năng suất lao động bằng tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế, tức là năng suất lao động được đo bằng sản phẩm nội địa theo đầu người. Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số các nước xấp xỉ nhau thì so sánh năng suất lao động giữa các nước cũng tương đương như so sánh tổng sản phẩm nội địa theo đầu người giữa các nước.

Theo phân loại của WB, một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa dưới 1.000 USD/năm được xếp vào nước nghèo. Việt Nam đã thoát nghèo vào năm 2008, lúc đó sản phẩm nội địa đầu người của Singapore là gần 40.000 USD, gấp Việt Nam hơn 34 lần; của Nhật Bản gần 38.000 USD, gấp 33 lần của Việt Nam; của Hàn Quốc gấp Việt Nam 18 lần; Malaysia gấp 7 lần; thái Lan gấp 3,6 lần.

Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng hoan nghênh và chia sẻ với ý kiến của nhiều đại biểu về tình tình hình nợ công, vì đây là nỗi băn khoăn trăn trở của đại biểu và cử tri.

Bộ trưởng nhấn mạnh, kể từ 2010, khi Luật quản lý nợ công có hiệu lực thì việc công khai, minh bạch, trách nhiệm rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, tăng trưởng chậm, cân đối nguồn lực ngân sách dẫn đến tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển giảm lớn.Trong nhiều nguyên nhân thì có việc áp lực huy động vốn hàng năm rất lớn, tăng vay đầu tư phát triển, bố trí chi trả nợ thấp, thị trường vốn chưa phát triển…

“Mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri. Nợ công hiện nay đang nằm trong giới hạn cho phép về chiến lược nợ công nhưng chúng ta đang gặp khó khăn. Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội từ đó giảm nợ công, nợ xấu, gắn với sử dụng vốn có hiệu quả, thực hành tiết kiệm; sự giám sát của Quốc hội nhằm đạt kết quả tốt hơn để đạt giới hạn nợ công cho phép”, Bộ trưởng cho biết.

Báo cáo Quốc hội xung quanh vấn đề chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa, trong đó có cây thanh long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, chủ trương của Quốc hội đối với quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đến 2020 phải giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang (Ảnh: Quang Trung)

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Quá trình thực hiện Nghị định 42 trong 2 năm qua đã đạt kết quả tốt, đến 2013 diện tích đất trồng lúa của cả nước còn 4,07 triệu ha.

Thực hiện chủ trương của trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 899 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có chủ trương chuyển một diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn trồng lúa.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014-2020, quy hoạch này được phê duyệt tại Quyết định 3367 theo đó trong 2 năm 2014, 2015 chuyển đổi khoảng 260.000 ha diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây ngắn ngày khác và nuôi trồng thủy sản; giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi tiếp 500.000 ha đất trồng lúa. Bộ cũng đã có Thông tư hướng dẫn việc này.

Liên quan đến Thông tư 28 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất và trong đó quy định cây thanh long nằm trong danh mục cây trồng lâu năm nên xếp vào thống kê đất trồng cây lâu năm, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, với việc phân loại như trên trong điều 57 Luật Đất đai năm 2013 khi trồng thanh long trên đất lúa phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này của hộ gia đình phải được sự cho phép của UBND huyện; của tổ chức phải do UBND tỉnh cho phép (theo quy định tại điều 59, Luật Đất đai)./.

Thanh Hà- Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *