(kontumtv.vn) – Bộ Y tế kêu gọi và mong muốn mỗi người dân, toàn xã hội tích cực hợp tác với ngành Y tế để kiểm soát hoàn toàn dịch sởi trên cả nước.

Tại buổi họp báo chiều 18/4, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: từ đầu năm 2014 đến ngày 18/4/2014, nước ta ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi (76,5%), 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccine sởi. Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur hiện nay các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi họp báo

Đến nay nước ta ghi nhận 25 trường hợp tử vong xác định do sởi trong số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Số tử vong ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó 50% số trẻ tử vong tại Hà Nội.

Bộ Y tế nhận định bệnh sởi năm 2014 có số mắc thấp hơn so với vụ dịch năm 2009-2010, tuy nhiên số trường hợp mắc nặng và tử vong sẽ tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân là do các bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ trong đó có nhiều trẻ em dưới 9 tháng tuổi nên dễ diễn biến nặng và phải điều trị thời gian dài; đồng thời thực trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện Trung ương dẫn đến việc kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện rất khó khăn. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm phổi phát triển. Đặc biệt, do tâm lý lo lắng, các gia đình đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại Bệnh viện Nhi trung ương và các bệnh viện của thành phố Hà Nội gây nên hiện tượng quá tải cục bộ.

Để kịp thời phòng, chống bệnh sởi, từ cuối năm 2013, Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phòng chống dịch sởi; tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về tăng cường công tác phòng chống dịch sởi. Bộ Y tế thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra việc triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi và tiêm vét vacccien sởi tại địa phương. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung giám sát để phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; phân tuyến điều trị để tránh quá tải và lây lan trong bệnh viện. Bộ cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 30 máy thở từ nguyền dự trữ quốc gia cho các bệnh viện, bổ sung kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch; triển khai công tác tiêm vaccine sởi cho toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tiêm chủng là biện pháp duy nhất ngăn chặn lây nhiễm sởi

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Không có bài thuốc nào đặc hiệu đối với virus sởi, chỉ có tiêm phòng mới có thể ngăn chặn việc lây nhiễm và khống chế được dịch sởi”.

Thứ trưởng cho biết thêm, đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo hết sức quyết liệt tất cả các hoạt động phòng chống dịch sởi; đặc biệt là hoạt động tiêm chủng và tiêm vét vaccine sởi vì các biện pháp dự phòng đạt hiệu quả rất thấp, nên việc tiêm chủng là biện pháp duy nhất để ngăn chặn lây nhiễm sởi.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng dịch ở mức độ cao hơn; yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch họp hàng ngày, cập nhật hàng ngày về tình hình dịch sởi.

Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị tiến hành tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ trên 9 tháng tuổi trong toàn quốc; tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vaccine sởi cũng như các biện pháp phòng chống bệnh. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch; chỉ đạo các Viện tiếp tục nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus để đánh giá sự biến đổi của virus cũng như đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền phòng chống bệnh sởi để người dân hiểu đúng, biết cách phòng ngừa và đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đầy đủ; thông tin kịp thời để người dân không hoang mang lo lắng.

Khi trẻ có dấu hiệu bệnh nên đưa ngay đến các cơ sở khám và điều trị kịp thời, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện tuyến trên nhằm tránh lây nhiễm sởi trong bệnh viện.

Bộ Y tế kêu gọi và mong muốn mỗi người dân, toàn xã hội tiếp tục hợp tác với ngành Y tế để kiểm soát hoàn toàn dịch sởi trên cả nước./.

Kim Anh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *