(kontumtv.vn) – Tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang tiếp tục diễn biến khá phức tạp, số người mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng cao. Đáng quan tâm là tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân của Kon Tum đã cao nhất toàn quốc. Trước tình hình này, ngành Y tế tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng chống. Tuy nhiên, dịch sốt xuất huyết sẽ chậm được khống chế, dập tắt nếu như mỗi người dân không chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng, tác nhân làm cho dịch sốt xuất huyết bùng phát, lây lan ra diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà đã có 63 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ngành Y tế đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở đây đến 3 lần, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát và phối hợp với cán bộ tổ dân phố đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nâng cao nhận thức trong việc chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng, thế nhưng gần đây tổ dân phố này vẫn có trường hợp mắc mới sốt xuất huyết. Y sỹ Nguyễn Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Đăk Hà nói: “Đối với các tổ dân phố, đã phun hóa chất 2 đến 3 lần. Trạm Y tế cũng trực tiếp cử cán bộ xuống tận tổ dân phố,  thôn đó để giám sát ca bệnh và giám sát các hộ xung quanh trong bán kính  20 m để các hộ ý thức việc làm vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc phun hóa chất”.

Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết
Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết

Hình ảnh xe loa tuyên truyền đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là công tác phun hóa chất diệt muỗi  được triển khai ở nhiều khu dân cư. Điều này cho thấy tính chất quan trọng của việc diệt muỗi, diệt lăng quăng trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Thế nhưng trên thực tế, trong quá trình triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết, ngành Y tế vẫn gặp nhiều khó khăn, do còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận, phối hợp với ngành Y tế trong việc chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng. Bác sỹ CKI Nguyễn Hồ Định, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà nói: “Hiện tại tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, nhưng có một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân vùng sốt xuất huyết đang lưu hành còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết”.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có trên 1.900 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong. Tính từ năm 1995 đến nay, đây là năm Kon Tum có tỷ lệ sốt xuất huyết cao nhất. Theo nhận định của ngành Y tế, ngoài các yếu tố khách quan như thời tiết, mưa nắng thuận lợi cho muỗi phát triển, chu kỳ 3 năm bùng phát sốt xuất huyết một lần thì nguyên nhân chủ quan làm cho dịch sốt xuất huyết ở tỉnh bùng phát trên diện rộng là do người dân chưa chủ động trong việc vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Bác sỹ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum nói: “Yếu tố chủ quan thì tôi cho rằng trong giai đoạn đầu và cả hiện nay, một số chính quyền địa phương cấp xã, cấp phường chưa thật sự quan tâm đến công tác phòng chống sốt xuất huyết. Nguyên nhân chủ quan thứ 2 là công tác diệt loăng quăng, mặc dù có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhưng vừa rồi chúng tôi đánh giá triển khai chưa hiệu quả. Nếu chúng ta diệt loăng quăng, bọ gậy không hiệu quả thì tình hình sốt xuất huyết sẽ không giảm”.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 263 ổ dịch sốt xuất huyết ở 281 thôn, tổ dân phố. Trừ huyện Ia Drai,  9 huyện, thành phố  còn lại đều có trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đáng quan tâm là các địa phương như Đăk Tô, Đăk Hà, thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi, số ca mắc mới liên tục tăng cao. Trước  diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân cần ý thức chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

                                                                              Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *