(kontumtv.vn) – Từ nhiều năm nay, cây sắn được xem là cây xóa đói giảm nghèo ở Kon Tum. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá sắn giảm thấp đã ảnh hưởng đến cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn. Vậy làm thế nào để cây sắn phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân là 1 giải pháp cấp bách hiện nay.

Thông thường, giá sắn đầu mùa vụ lúc nào cũng cao hơn chính vụ. Nhưng năm 2016, giá sắn đã có sự biến động mạnh. Hiện nay giá sắn được các nhà máy  thu mua 1.380đ/kg tươi loại 30% chữ bột. Thiếu 1% chữ bột giá hạ xuống 50đ. So với năm 2015, giá sắn giảm 40%. Đối với sắn tư thương thu mua tại rẫy, thường chỉ 800đ/kg. Với mức giá này, người nông dân gần như không có lãi. Ông A Liêu (thôn Nhơn Bình, Sa Nhơn, Sa Thầy) nói: “Trồng mỳ thì cái khó khăn nhất bây giờ là giá. Giá bây giờ bèo quá, chỉ 1.100đ – 1.200đ/kg, nếu đủ bột 30% thì mới được giá đó. Gia đình cũng phải thu hoạch thôi để mua mắm mua muối trong nhà. Tôi cũng mong Nhà nước xem thế nào trợ giá cho chúng tôi, cho bà con trong xã xóa đói giảm nghèo”.

Gía sắn các nhà máy thu mua giảm so với năm trước
Gía sắn các nhà máy thu mua giảm so với năm trước

“Với tình hình giá cả thị trường hiện nay, so với cùng kì năm ngoái, giá tinh bột sắn giảm 100 USD/ tấn, giá nguyên liệu đầu vào giảm 300đ/kg. Tình hình giá tinh bột sắn chưa có sự biến chuyển trong năm nay”. Ông Nguyễn Văn Thương, Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn Focosev Kon Tum cho biết.

Theo số liệu thống kê, diện tích sắn tỉnh Kon Tum năm 2015 chỉ hơn 20.000 ha, năm 2016 tăng lên 39.000 ha, và khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Việc mở rộng diện tích sắn một cách tự phát, cùng với hình thức canh tác quảng canh, không những năng suất thấp, tác động xấu đến môi trường, mà còn đe dọa trực tiếp đến diện tích rừng. Hầu hết diện tích sắn đang trồng hiện nay trong dân ít được chăm sóc, bón phân, nên năng suất phổ biến chỉ đạt từ 18 – 25 tấn/ha. Trong khi giống sắn cao sản có thể cho 50 – 60 tấn/ha. Tìm giải pháp cho cây sắn phát triển bền vững đang là đòi hỏi cấp bách. Ông Vương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: “Huyện sẽ tiến hành từng bước giảm diện tích, vận động người dân chuyển đổi dần cây ngắn ngày hàng năm như cây mì sang trồng cây lâu năm, có giá trị kinh tế cao hơn. Trong chiến lược phát triển huyện cũng đã làm việc với nhà máy mì trên địa bàn thống nhất, quy hoạch phương án vùng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất của nhà máy. Trước mắt nhà máy mỳ sẽ hỗ trợ người dân giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân ổn định”.

Để cây sắn phát triển bền vững, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế được những tác động tiêu cực của cây sắn đối với môi trường, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho rằng, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích là vấn đề mấu chốt. Việc đưa giống mới vào sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Điều này có ý nghĩa rất lớn để không mở rộng thêm diện tích nhưng vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động và tăng thu nhập của người dân từ cây sắn.

Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *