(kontumtv.vn) – Trong những ngày qua, một số hộ dân tại xã Hòa Bình, thành phố KonTum đang phải khó khăn, vất vả để tìm đầu ra cho quả bí đỏ – loại giống vừa được bà con đưa vào sản xuất theo hợp đồng giao kết giữa công ty bao tiêu sản phẩm với người nông dân.

Bí đỏ giống Nhật Bản
Bí đỏ giống Nhật Bản

Trong hợp đồng hợp tác đầu tư sản xuất và thu mua quả bí xanh giống Đài Loan và bí đỏ giống Nhật Bản được Công ty TUKA (tổ 11, Pháp Vân, Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) do giám đốc Tô Thị Hồng Tươi ký kết với các hộ nông dân thôn 3, xã Hòa Bình có cam kết công ty hỗ trợ ứng giống, phân bón, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và sẽ thu mua tất cả sản phẩm của bà con khi thu hoạch. Tuy nhiên gần đến thời điểm thu hoạch, khi bà con liên lạc, gọi điện thoại cho công ty thì chỉ nhận câu nói từ tổng đài“số điện thoại này không có”. Chị Nguyễn Thị Phi Công (thôn 3, xã Hòa Bình) nói: “Gia đình với 3 hộ dân nữa chung vốn, mỗi hộ 70 triệu góp vốn vào đầu tư. Lúc đầu kí hợp đồng với công ty thì công ty hứa thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng. Đến khi thu hoạch họ sẽ mua bao tiêu sản phẩm là 5.000đ/kg. Nhưng đến thời điểm bí thu hoạch thì lại không thể liên hệ được với công ty. Đến thời điểm này thì bí thu hoạch nhưng không có đầu ra”.

Thực hiện hợp đồng ký kết, 4 hộ dân trên địa bàn xã Hòa Bình đã thuê 10 ha đất để trồng bí. Để có vốn đầu tư thuê đất, mua phân bón, các hộ dân đã vay  ngân hàng, mượn người thân với tổng số tiền 280 triệu đồng. Sau 4 tháng xuống giống, chăm sóc, bí đỏ đã cho thu hoạch đạt năng suất khá cao, ước gần 20 tấn/ha. Do không liên hệ được với công ty giao kết hợp đồng nên các hộ nông dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm, do giống bí này còn mới lạ với người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Phi Công cho biết: “Gia đình thu bí về nhưng không bán được cho công ty thì đành thu bí về nhà sau đó cũng đi bán cho các điểm lẻ của địa phương, nhưng số lượng bán ra thì không được đáng bao nhiêu”.

Vừa mất tiền đầu tư thuê đất, mua phân bón, 4 tháng trời, các hộ dân đã phải cực nhọc để chăm sóc cả chục ha với hy vọng chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên đến khi thu hoạch lại không bán được. Chị Công nói: “Vừa rồi thu hoạch thì sản lượng đem về nhà rất ít, bí hái xong và thu gom tại rẫy được đóng bao và cho các hộ ĐBDTTS mang bí về nhà để dùng. Một số hộ mang bí về để ăn, một số hộ thì mang về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm”.

Thực trạng này là bài học kinh nghiệm cho người nông dân trong lên kết phát triển sản xuất. Để đảm bảo lợi ích khi thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu bao sản phẩm, người nông dân cần tìm hiểu kỹ các công ty đối tác, đặc biệt là tư cách pháp nhân, uy tín, thương hiệu trong quá trình hoạt động; cần phối hợp với các cấp chính quyền, nhờ sự tư vấn của hội nông dân để không tái diễn tình trạng này nữa.

CTV Minh Phượng – Đình Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *