(kontumtv.vn) – Những năm qua, UBND xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ đồng bào Xê Đăng trên địa bàn phát triển các loại cây dược liệu. Với chủ trương đúng đắn, giờ đây các loại cây dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh đã giúp cho đồng bào Xê Đăng ở Măng Ri thoát nghèo và có cuộc sống ấm no hơn.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu, nhất là cây sâm dây và sâm Ngọc Linh, những năm qua, xã Măng Ri đã xác định phát triển cây dược liệu là nội dung đột phá trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 và tập trung tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân thực hiện. Đồng thời, xã xác định đây cũng chính là một trong những giải pháp để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống. Chính quyền xã đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho 140 hộ vay hơn 7,7 tỷ đồng trồng cây dược liệu. Đến nay, toàn xã đã trồng hơn 40 ha sâm dây, 3,6 ha sâm Ngọc Linh và có gần 300 hộ tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh với các công ty. Ông A Quyết ở thôn Long Hy, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: :Gia đình chúng tôi khi chưa biết trồng sâm thì công ty đã cho công nhân một năm 100 gốc, biết trồng thì cuộc sống chúng tôi có thay đổi, nhà cửa khang trang”.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm: “Theo chủ trương của tỉnh và của huyện về phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây mũi nhọn là cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã thì toàn xã đã có 7 nhóm liên kết và gần 300 hộ dân đã liên kết trồng cây dược liệu, trong đó có cây sâm dây và cây sâm Ngọc Linh. Đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh thì từ năm 2014 đến nay các hộ đã liên kết trồng và thu hoạch được một số kết quả, trong đó có thu nhập ổn định, lương và gạo được công ty hỗ trợ hằng tháng và các chế độ bảo hộ lao động hưởng theo chế độ chính sách”.

Đặc biệt, chủ trương doanh nghiệp cho người dân liên kết trồng sâm đã giúp cho nhiều hộ nghèo có việc làm ổn định và có cây giống sâm Ngọc Linh để trồng riêng. Điển hình như ông A Bân ở thôn Long Hy, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, trước đây ông cũng muốn trồng sâm như những hộ gia đình khác ở trong thôn, thế nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên ông không thể mua cây giống để trồng. Đến năm 2015, khi được tham gia làm công nhân Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum ông được công ty trả tiền lương hằng tháng hơn 3 triệu đồng và hỗ trợ cây giống để trồng riêng. Nhờ vậy, giờ đây ông đã có cuộc sống ổn định: “Trước thì tôi không biết trồng sâm, giờ này công ty đưa công nhân đi lên chốt trồng sâm mới biết. Cây sâm cho thu nhập gia đình ấm no”.

Có được nguồn thu nhập ổn định từ các loại cây dược liệu, nhiều hộ đồng bào Xê Đăng ở xã Măng Ri đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các vật dụng thiết yếu và cho con đi học hành đầy đủ. Đồng thời, cũng chính từ cây dược liệu đã giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ trên 72% năm 2015 xuống còn 43% hiện nay. Chị Y Hinh ở thôn Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Tôi tham gia trồng sâm, tôi cũng tích cực học hỏi. Bản thân tôi cũng làm riêng cho mình một mô hình, tuy rằng không lớn nhưng nó cũng mang lại hiệu quả cho tôi và gia đình”.

Cây dược liệu sâm dây, sâm Ngọc Linh đã giúp đồng bào Xê Đăng ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông ngày càng có cuộc sống ổn định. Vì vậy, bà con đang tiếp tục mở rộng diện tích để cùng chính quyền hoàn thành mục tiêu phát triển các loại cây dược liệu thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *