(kontumtv.vn) – Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên, Kaly Tran ngay từ bé đã bộc lộ tài năng và niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc dân tộc. Chính vì vậy, ngay khi tốt nghiệp Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội chuyên ngành nhạc cụ dân tộc, Kaly Tran đã trở về quê nhà tại làng Kon Klor, thành phố Kon Tum và khơi dậy niềm say mê âm nhạc dân tộc đặc sắc vốn đang dần bị mai một ở đây.

Sau chương trình biểu diễn tạo nhiều ấn tượng tại Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên vừa qua, hình ảnh chàng trai có nụ cười tươi tắn bên cạnh nào chiêng, nào cồng, nào tơ rưng… đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người. Sở hữu giọng hát khỏe khoắn, có nội lực, Kaly Tran (làng Kon Klor, thành phố Kon Tum) có đủ yếu tố trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, thế nhưng anh đã lựa chọn trở về quê nhà và gắn bó với âm nhạc dân tộc. Với tình yêu âm nhạc luôn rực cháy, trong suốt nhiều năm qua, Kaly đã tự mày mò, tìm hiểu và chơi thành công nhiều loại nhạc cụ như cồng chiêng, tơ rưng, ting ning, k’ long put, ding put… Kaly Tran tâm sự: “Từ thời Kaly còn nhỏ, Kaly đã tham gia đội cồng chiêng, đi theo bố và ông ngoại đánh cồng chiêng. Mình biết chơi cồng chiêng từ năm 5-6 tuổi. Khi lớn lên Kaly ấp ủ niềm đam mê với nghệ thuật âm nhạc, trong đó đặc biệt âm nhạc dân tộc của mình. Khi Kaly theo học Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội, là một cơ duyên khiến Kaly theo học nhạc cụ dân tộc là đàn tơ rưng. Kaly quyết tâm học thật tốt và thật giỏi để sau này về giúp cho quê hương, phục hồi văn hóa của mình”.

Kaly Tran với dàn cồng chiêng Tây Nguyên
Kaly Tran với dàn cồng chiêng Tây Nguyên

Không chỉ dừng lại ở việc chơi nhạc, Kaly Tran đã vận động tập hợp được một nhóm nhạc dân tộc mang tên Kaly Band. Thành lập từ cuối 2015 đến nay, ban nhạc Kaly hiện nay là ban nhạc dân tộc lớn nhất tại Tây Nguyên, với gần 70 nhạc công, chuyên chơi nhạc truyền thống của người Ba Na và  nhạc do chính Kaly sáng tác trên nền âm điệu của các loại nhạc cụ dân gian như cồng chiêng, tơ rưng, tinh ning, ding put… Kaly Tran chia sẻ: “Thật sự Kaly muốn gửi gắm cho giới trẻ, muốn âm nhạc truyền thống lan rộng trong giới trẻ, không phải chỉ ở Tây Nguyên, mà trên mọi miền đất nước, làm sao người ta yêu quý nhạc cụ dân tộc, người ta muốn học nó”.

“Tiếng cồng, tiếng chiêng đã gắn liền với người dân tộc, khi được nghe em cảm thất rất vui. Được vào ban nhạc này, được nghe tiếng cồng chiêng, tiếng  chiêng là một cái gì rất thiêng.  Mỗi lần được nghe em rất cảm xúc và muốn gìn giữ bản sắc dân tộc, tiếp nối thế hệ này sang thế hệ khác”. Em Y Huyền )15 tuổi, thành viên nhóm nhạc Kaly Band) nói.

Với sự nghiêm túc trong tập luyện và tình yêu âm nhạc của các thành viên, nhóm nhạc Kaly đã ngày càng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của công chúng. Vào mỗi buổi chiều, khi mọi người hoàn thành một ngày làm việc tất bật, thì tại nhà anh Kaly, những lời ca, tiếng hát hòa quyện với âm thanh của cồng, của chiêng lại vang lên và len lỏi vào từng mái nhà sàn, từng căn bếp nhỏ. Với Kaly Tran, ban nhạc là nơi anh thỏa nguyện đam mê ca hát, thực hiện ước mơ đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vươn cao, vươn xa. Còn đối với những thành viên trong nhóm, ban nhạc chính là sự gắn kết, tình yêu mộc mạc đối với nguồn cội, đối với mảnh đất cao nguyên nắng gió. Ông Phan Thanh Hoàng,  Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum ghi nhận: “Kaly Tran là một trong những người con của các dân tộc Kon Tum, với niềm đam mê nghệ thuật và ca hát, anh đóng góp tích cực trong việc bảo tồn di sản văn hóa đồng bào các dân tộc Kon Tum, trong đó đặc biệt lĩnh vực âm nhạc. Đối với Kon Tum, có được những thế hệ trẻ có lòng đam mê như thế, chắc chắn rằng trong thời gian không xa, các nhạc cụ truyền thống và làn điệu dân ca sẽ được khôi phục dần”.

Chúng ta hy vọng về sự bảo tồn, phát triển bền vững của âm nhạc dân gian nói riêng và truyền thống văn hóa nguyên bản dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Hà My – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *