(kontumtv.vn) – Xử lý kiến nghị và hòa giải ở cơ sở là một trong những công tác quan trọng góp phần phát huy quy chế dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết và hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Tăng cường năng lực công tác xử lý kiến nghị và hòa giải cơ sở là mục tiêu của tỉnh Kon Tum trong thời gian qua.

Liên tục trong nhiều năm, làng Đăk Tiêng Klah (Đăk La, huyện Đăk Hà) được công nhận là khu dân cư văn hóa. Trong thành quả chung của làng, có sự đóng góp không nhỏ của các thành viên tổ hòa giải mà đứng đầu là Thôn trưởng A Nhen. Sự tích cực và hiệu quả của tổ hòa giải đã giúp tình làng, nghĩa xóm của trên 200 hộ dân của làng Đăk Tiêng Klah được củng cố, nhiều năm liền không có đơn thư khiếu nại tố cáo. Anh A Phin, người dân trong làng nói: “Tổ hòa giải trong làng chúng tôi giúp cho làng thứ nhất là đoàn kết, thứ 2 giúp dân làng hiểu biết về pháp luật, dân làng sẽ sống tốt theo pháp luật và sẽ đoàn kết với nhau”.

Tổ hòa giải ở cơ sở mang lại bình yên cho thôn làng
Tổ hòa giải ở cơ sở mang lại bình yên cho thôn làng

Cùng với làng Đăk Tiêng Klah, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải tại các thôn, làng của xã Đăk La đã được chú trọng xây dựng, kiện toàn và được tập huấn nâng cao năng lực. Nhờ vậy, 100% các vụ xích mích trong cộng dân cư đều được hòa giải thành. Đây là cơ sở giúp xã Đăk La không có đơn thư khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp và khiếu nại kéo dài trong thời gian qua. Ông Nguyễn Minh Vương, Chủ tịch UBMTTQVN xã Đăk La cho biết: “Để làm tốt công tác hòa giải cũng như giải quyết đơn thư khiếu nại trước hết người cán bộ làm công tác hòa giải phải có cái tâm, cái tầm, bên cạnh đó phải qua các lớp đào tạo. bồi dưỡng để nắm thêm kiến thức, từ đó làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở”.

Nói đến các thành viên tổ hòa giải, bà con xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum luôn bày tỏ sự nể trọng và quý mến. Bởi lẽ, mỗi khi thôn xóm có chuyện mâu thuẫn không vui, nếu không có sự vào cuộc kịp thời và trách nhiệm của các thành viên tổ hòa giải thì nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện là rất cao. Tính hiệu quả của công tác hòa giải cơ sở tại xã Đăk Cấm đã giúp địa phương này hòa giải thành tất cả 8 vụ xích mích trong năm 2018 và giảm thiểu thấp nhất số đơn thư khiếu nại lên cấp xã. Bà Trần Thị Thanh Thủy (thôn 4, xã Đăk Cấm) nói: “Nói chung trong thôn bình yên là nhờ  tổ hòa giải. Tổ hòa giải ở trong thôn là những người rất nhiệt tình, họ hòa giải rất là hiệu quả”.

Năm 2018, thành phố Kon Tum đã có 142 vụ được hòa giải thành ở cộng đồng dân cư trong tổng số 168 vụ mâu thuẫn, xích mích xảy ra trên địa bàn. Để có được kết quả này, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở 183 khu dân cư ở 21 xã, phương của thành phố phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy tốt kinh nghiệm của bản thân gắn với vận dụng tốt những kiến thức đã được tập huấn. Ông A Beng, tổ hòa giải làng Jang Roong, thành phố Kon Tum nói: “Hòa giải không thành công thấy áy náy trong lòng, mà hòa giải một lần không thành công thì hòa giải lần thứ hai, nhưng mà cái đó hiếm lắm, lần nào cũng thành công”.

Phần lớn đội ngũ cán bộ hòa giải ở cơ sở làm việc không có lương và không có cả phụ cấp. Thế nhưng với tinh thần trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ hòa giải cơ sở đã góp phần tạo nên sự bình yên ở các khu dân cư, góp phần phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đóng góp tích cực vào công tác giáo dục pháp luật ở địa phương. Những mô hình hòa giải tốt như ở xã Đăk la, huyện Đăk Hà hay ở xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum cần được biểu dương và nhân rộng.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *