Với đa số phiếu tán thành, sáng nay (27/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về qui hoạch tổng thể thủy điện.
Theo đó, Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện; đánh giá cao sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc tại các địa phương có dự án thủy điện đã khắc phục khó khăn thực hiện di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các công trình thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Các hồ thủy điện lớn đa mục tiêu đã góp phần cắt, giảm lũ, điều tiết lưu lượng, cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và bảo vệ môi trường. Quá trình đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đã tạo nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Việc xây dựng các khu, điểm tái định cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực công trình thủy điện bước đầu tạo ổn định đời sống nhân dân.
Việc xả lũ sai qui trình của một số hồ thủy điện khiến nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội bất bình |
Quốc hội cũng cho rằng, việc rà soát tổng thể quy hoạch thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai nghiêm túc, đưa ra khỏi quy hoạch 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế – xã hội. Nhiệm vụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng chưa cao. Tại một số công trình thủy điện việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực. Đời sống người dân tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Rừng, đất rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ, có nơi còn hiện tượng lợi dụng khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Diện tích rừng trồng thay thế tại các công trình thủy điện rất thấp; nghĩa vụ nộp phí dịch vụ môi trường rừng chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Nghị quyết của Quốc hội khẳng định: Các hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ. Một số bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị có liên quan chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong tham mưu, tổ chức thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch; cấp phép đầu tư xây dựng; bảo đảm chất lượng, an toàn; vận hành khai thác; phối hợp, kiểm tra, giám sát đối với các dự án, công trình thủy điện. Năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, sau tái định cư, bảo đảm sinh kế bền vững cho các hộ tái định cư công trình thủy điện chưa được ban hành đầy đủ và thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất. Một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa được ban hành kịp thời, chưa rõ ràng trong phối hợp, phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm cụ thể. Thông tin, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, xã hội khu vực dự án, công trình thủy điện còn thiếu.
Bố trí đủ kinh phí sửa chữa các đập, hồ chứa mất an toàn
Để tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các công trình thủy điện đúng quy định của pháp luật, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, các công trình thủy điện đang vận hành khai thác, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch. Tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ quy hoạch thủy điện trong tổng thể quy hoạch phân ngành năng lượng.
Quốc hội yêu cầu, trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; phấn đấu hoàn thành việc ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông còn lại; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa. Hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình đập, hồ chứa, đặc biệt là về kháng chấn động đất; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn đối với một số công nghệ mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.
Bảo đảm bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông của các công trình thủy điện. Phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.
Cũng trong năm 2014, Chính phủ tập trung hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thuỷ điện và việc ban hành chính sách ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội vùng tái định cư các dự án thủy điện.
Tăng cường năng lực quản lý lưu vực sông, điều phối, giám sát việc tuân thủ các quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa bậc thang, bảo đảm không để xảy ra tình trạng vận hành hồ chứa gây lũ kép; giải quyết các vấn đề liên ngành, liên địa phương trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với quy hoạch, dự án, công trình thủy điện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Sớm ban hành hướng dẫn cụ thể quy định dòng chảy tối thiểu sau các đập thủy điện.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; mô hình tính toán, dự báo lưu lượng nước đến hồ trong mùa lũ và mùa cạn; hệ thống viễn thông, quan trắc, giám sát, cảnh báo dự báo tài nguyên nước trên các hệ thống sông lớn. Xây dựng đầy đủ phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du và cơ chế giám sát của cộng đồng đối với việc xả lũ của các hồ chứa.
Ngoài ra, Chính phủ cũng phải quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Cuối cùng, Quốc hội yêu cầu: “Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này”./.
Theo : Vũ Hạnh/VOV online