(kontumtv.vn) – Sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi thảo luận – Ảnh: VGP/Thành Chung |
Nhiều đại biểu cho rằng qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện cần tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội của đoàn Hà Tĩnh cho rằng: Chúng ta đã có khung vững chắc của đầu tư công để chống dàn trải, lãng phí. Tuy nhiên, phương án giao vốn có thể triển khai sớm thì phải tăng cường phân cấp, phân quyền và tập trung hậu kiểm.
Thực tế, tốc độ giải ngân rất chậm, sau này các bộ, địa phương có tích cực tháo gỡ nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Năm 2016, cả nước có nhiều dự án dở dang chuyển tiếp nên tới cuối năm giải ngân được 91%. Nhưng càng về sau giải ngân vốn này chậm lại do triển khai nhiều dự án mới, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Năm 2017, giải ngân được 87%. Năm nay, dự báo Chính phủ cũng khó giải ngân 100% vốn kế hoạch.
Phó Thủ tướng chỉ ra vướng mắc ở 3 khâu: Pháp luật trong Luật Đầu tư công, các nghị định hướng dẫn Luật của Chính phủ và nguyên nhân từ tổ chức thực hiện. Do đó, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết số 60/NQ-CP và 70/NQ-CP để đốc thúc địa phương thực hiện, ban hành Nghị định số 120 để sửa đổi 3 Nghị định số 77, 161 và 136 trong hướng dẫn thực hiện Luật và đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công.
“Tinh thần chung là để chống đầu tư dàn trải, nhưng để có phương án giao vốn để triển khai sớm thì phải tăng cường phân cấp, phân quyền, tập trung mạnh vào hậu kiểm ai làm sai thì chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.
“Ví dụ dự án nhóm A, trước đây Thủ tướng quyết định đầu tư và bây giờ đã phân cho Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trong dự thảo Luật này, những dự án nhóm A mà hoàn toàn vốn địa phương (không chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh) bố trí được thì cần cho địa phương quyết”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nêu thêm ví dụ, Luật hiện hành quy định Quốc hội sẽ quyết định đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia có mức vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên, nhưng giá trị được xác định cách đây hơn 10 năm, trong khi thời giá hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước, tính tương đương có thể lên tới 1 tỷ USD nên cần điều chỉnh quy định này.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công cần tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm nhóm chính sách về quy định chung, nhóm chính sách về quản lý dự án, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội đề nghị, cần hoàn thiện thể chế đầu tư công, bảo đảm hiệu quả phù hợp thông lệ quốc tế, công khai minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức đối với hiệu quả đầu tư.
“Khi đối chiếu với các quy định của dự thảo Luật, bên cạnh những điểm mới thì tôi nghĩ phần quy định về chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chưa đậm nét. Đối chiếu với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết Trung ương 5, đây là yêu cầu cần hoàn thiện thêm. Cần phải quy định rõ trách nhiệm từ khâu đầu tiên lựa chọn dự án đến khâu triển khai thực hiện và đánh giá kết quả. Ở mỗi khâu đều có trách nhiệm của người đứng đầu có như vậy mới bảo đảm được hiệu quả đầu tư”, đại biểu Mai nói.
Thành Chung/Chinhphu.vn