(kontumtv.vn) – Để chủ động ứng phó với mùa khô hạn hằng năm, nhất là trong vụ Đông – Xuân, một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước sang trồng cây ngắn ngày, khắc phục tình trạng mất mùa, thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân.

Khu vực thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước đã gần 20 năm. Vụ Đông – Xuân, ông Nguyễn Chống, người dân khu vực này đã chủ động chuyển đổi sang trồng bắp trong mùa khô và trồng lúa vụ Hè – Thu. “Bây giờ tình hình là thiếu nước. Do đó là làm một vụ lúa thôi, còn vụ Đông – Xuân đây là chuyển qua làm màu, tận dụng để kiếm thêm thôi chứ không có làm, của ủy ban đề xuất làm tại do thiếu nước quá mà. Nên tôi ở gần đây là tôi tận dụng để làm, nhưng mà nói chung là chuyển đổi cây bắp đây là tương đối, đạt hơn lúa nhiều”, Ông Nguyễn Chống nói.

Tại xã Sa Nghĩa, diện tích bị khô hạn cần chuyển đổi trên địa bàn là 5 ha. Nhiều năm nay, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng chân ruộng không thể đưa nước tưới và được người dân đồng tình thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hận – Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy cho biết: “Về cơ bản việc mà chuyển đổi từ cây lúa mà sang các loại hoa màu khác thì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng mà về lâu dài thì nguy cơ thiếu nước thì vẫn còn xảy ra trên địa bàn xã, nên cũng mong muốn là tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng với các phòng ban chuyên môn quan tâm, hỗ trợ cho người dân; phục vụ việc chuyển đổi cho người dân có hiệu quả kinh tế cao hơn trong thời gian tới”.

Sa Thầy là một trong những địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước. Từ năm 2015, huyện bắt đầu triển khai chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước sang trồng mì trái vụ để chống hạn. Tuy nhiên, tại một số vùng, mô hình không mang lại hiệu quả. Sau này, bà con đã chủ động tự chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày khác, phù hợp hơn để cải thiện thêm thu nhập. Anh Nguyễn Thanh Hải – Thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy nói: “Chuyển đổi ví dụ như bắp thì một tuần, 10 ngày là mình mới lấy nước một lần, cho lợi bớt cái công. Công của mình chăm sóc thì nó vẫn nhẹ hơn là cây lúa; rồi tiền đầu tư. Mình chỉ tốn đầu tư lúc ban đầu thôi, bây giờ nó xong rồi thì mình cứ thu, mình vẫn cứ tiếp tục, có khi là sẽ chuyển đổi những cây khác nữa”. 

Về vấn đề này, ong Nguyễn Thái Lãnh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy cho hay: “Năm 2015 – 2016 thì chúng tôi cũng đã chuyển đổi được một số diện tích, nhưng mà hồi lúc đó là chuyển qua cây mì, học hỏi mô hình mì ở Sa Bình trồng trái vụ. Nhưng mà khi dân trồng xuống thì thời gian thu hoạch của cây mì rất là dài, mà đến thu mùa thu hoạch của nó là đến mùa mưa. Cho nên là năm chuyển đổi đó thì bà con nó bị thúi của mì. Sau này bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cây bắp, cây đậu, cây ngắn ngày, cây hoa màu”.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, trong năm 2022, tỉnh Kon Tum có hơn 170ha diện tích đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Trong đó, hơn 165ha diện tích đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, tăng gần 70ha so với năm 2021. Dự kiến, mùa khô 2022, toàn tỉnh sẽ có 240ha diện tích cây trồng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước. Ông Trần Văn Lực – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh co biết: “Chi cục Thủy lợi thường xuyên thông tin liên lạc với các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý khai thác các công trình để nắm bắt tình hình nguồn nước và nguy cơ xảy ra khô hạn thiếu nước tại các địa bàn; khả năng trữ nước của các công trình thủy lợi, thì cũng đã dự báo một số cái diện tích có khả năng hạn hán. Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại khi có hạn hán gây ra cho bà con”.

Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, các địa phương cũng đang đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh để bổ sung kịp thời vào cơ cấu luân canh, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *