(kontumtv.vn) – Những năm qua, việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được các cấp ngành huyện Kon Rẫy đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, với mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào về truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ H16 nằm trên địa bàn xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. Nơi đây vừa là hậu cứ của Mặt trận B3, vừa là nơi đứng chân của các Tiểu đoàn 304, 406 và Thị ủy Kon Tum. Căn cứ Huyện ủy H16 còn góp phần làm bàn đạp giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh; Măng Đen, Măng Bút, huyện Kon Plông và thị xã Kon Tum. Cựu chiến binh U Hơn cho biết: “Đây là căn cứ quân sự của huyện H16, tại đây thường tổ chức các ngày lễ lớn, như hội nghị, hội diễn văn nghệ thường tập trung con cháu tại đây để bà con nhân dân tập trung gặp mặt.”

Trong thời bình, Căn cứ huyện ủy H16 luôn là một di tích lịch sử được thế hệ trẻ quan tâm tìm đến tham quan và lắng nghe về những chiến công anh dũng của nhiều thế hệ cha ông qua lời kể của các bậc lão thành cách mạng từng tham gia kháng chiến tại nơi đây. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương thường tổ chức nhiều đợt hành trình về nguồn, tổ chức các đợt nói chuyện, dâng hương tại Căn cứ Huyện ủy H16 để tưởng nhớ về một giai đoạn lịch sử đầy oanh liệt, hào hùng. Theo anh A Pang, Bí thư đoàn xã Đăk Tờ Re hành trình về nguồn là hoạt động rất ý nghĩa giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử của cha ông, về cái nôi cách mạng của huyện Kon Rẫy.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, người dân xã Đăk Kôi, đặc biệt là thế hệ trẻ, luôn phát huy ý chí cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, không ngại khó khăn nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất anh hùng này. Trong những tấm gương tiêu biểu đó có 2 đoàn viên là A Phúc và A Đơm ở thôn 7, xã Đăk Kôi đã phát huy tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ dám nghĩ dám làm. Trên diện tích đất sản xuất của gia đình, các anh đã trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cà phê. Ngoài ra đầu tư chăn nuôi heo, đào ao thả cá. Vì vậy cuộc sống có sự thay đổi khá rất nhiều so với trước đây. Anh A Phúc chia sẻ: “Tôi là thế hệ trẻ con cháu vùng căn cứ cách mạng xã anh hùng, tôi cảm thấy rất tự hào, sẽ không ngừng cố gắng nâng cao trình độ, cố gắng đem hết sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và cùng nhau tuyên truyền cho các em nhỏ sau này về truyền thống cách mạng của xã nhà.”

Huyện Kon Rẫy hiện có 2 di tích lịch sử cách mạng đó là Căn cứ Huyện ủy H16 tại xã Đăk Kôi và đồn Kon Brai ở xã Đăk Ruồng. Đây là niềm tự hào của người dân huyện Kon Rẫy về truyền thống đấu tranh cách mạng, đồng thời là địa chỉ đỏ để giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần tự lực vươn lên, khắc phục mọi khó khăn xây dựng cuộc sống mới ấm no trên quê hương cách mạng.

Với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và ra sức học tập, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp./.

 CTV Y Nhàn – Hữu Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *