(kontumtv.vn) – Tuổi đôi mươi là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời người. Cô giáo Lò Thị Kim Cúc, giáo viên Trường Tiểu học Đăk Rơ Ông (xã Đăk Rơ Ông, Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã dành trọn quãng thời gian đẹp nhất ấy để dạy chữ và ươm mầm cho những ước mơ của học trò nghèo được chắp cánh. 

Ở tuổi 20, khi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, với nhiệt huyết tuổi trẻ cùng khao khát được đem tri thức đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa, cô gái trẻ người dân tộc Thái Lò Thị Kim Cúc đã từ bỏ cơ hội làm việc gần nhà, gần gia đình để quyết tâm xin về công tác, giảng dạy tại huyện Tu Mơ Rông. Khó có thể kể hết những khó khăn, vất vả cô trải qua trong quá trình dạy học cho học trò nơi đây. Ngoài khác nhau ngôn ngữ, phong tục, tập quán, điều kiện sinh hoạt, làm việc còn nhiều thiếu thốn thì có lẽ khó khăn lớn nhất của cô chính là làm sao đánh thức trong các em ước mơ, hoài bão để đến trường. Cô Cúc tâm sự: “ Kỷ niệm đối với tôi trong những năm công tác tại Đăk Rơ Ông thì có một năm, học sinh đó bỏ học hai ngày, tôi xuống vận động nhưng vẫn không ra lớp. Khi tìm hiểu gia đình thì gia đình vẫn bảo là em đi rồi, hỏi thăm các bạn thì các bạn bảo thấy bạn có đi học nhưng không đến lớp. Hôm đó tôi có thấy em đến lớp nhưng không dám vào. Tôi tìm và hỏi thì em bật khóc, nói nhớ cô lắm nhưng vì quần của em bị rách, em không dám đến lớp, sợ các bạn cười. Qua buổi đó thì tôi năn nỉ rồi tìm cách để góp cho em một bộ đồ để em đi học. Đến nay thì em cũng đã thành đạt rồi”.

Cô giáo Lò Thị Kim Cúc
Cô giáo Lò Thị Kim Cúc

Mười năm sống, gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số càng khiến cô yêu hơn mảnh đất này. Mỗi nếp nhà, mỗi con người đều đã trở thành máu thịt. Để rồi tự bao giờ, trường là nhà, nơi sống và làm việc chính là quê hương thứ hai của cô. Cô Cúc chia sẻ: “Động lực để tôi cố gắng trong công tác là khi mỗi ngày lên lớp, nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của các em, gia đình của các em, những đôi mắt khao khát thể hiện ước mơ mà chúng tôi tìm thấy trong các em, nên  tôi cố gắng để cho các em biết đọc, biết viết, cố gắng có kỹ năng cuộc sống, đặc biệt là phát triển ngôn ngữ, vì ở đây học sinh dân tộc thiểu số 100%”.

Với tâm niệm cây được uốn nắn nhờ vun trồng, con người thành tài nhờ giáo dục, suốt những năm qua, cô giáo Lò Thị Kim Cúc không ngừng tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy mới, giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập. Với học sinh Trường Tiểu học Đăk Rơ Ông, cô vừa là người bạn, vừa như mẹ hiền. Cô giáo Hoàng Thị Kim Oanh, gióa viên Trường Tiểu học Đăk Rơ Ông nhận xét: “Trong dạy học thì cô luôn là một cô giáo nhiệt tình, tận tụy với học sinh, lúc nào cũng quan tâm đến học sinh và đặt niềm tin cho học sinh là hàng đầu. Nên học sinh rất  yêu quý cô. Trong quá trình hoạt động dạy học, cũng từ kinh nghiệm thực tế của một trường vùng khó khăn, cô đã nghiên cứu, viết thành những sáng kiến kinh nghiệm rất có hiệu quả để áp dụng trong giảng dạy”.

Ở tuổi 30, cô giáo Lò Thị Kim Cúc vẫn hăng say hoạt động Đoàn, Đội; sôi nổi, nhiệt tình, tràn đầy sáng tạo. Cô là tấm gương sáng để học sinh noi theo, là người truyền lửa đam mê, góp phần thúc đẩy phong trào học tốt, dạy tốt trong nhà trường ngày một đi lên. Thầy giáo Phạm Văn Xuân, Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận: “Cô Lò Thị Kim Cúc là một giáo viên tiêu biểu của trường. Trong những năm qua cô đã có nhiều thành tích đóng góp cho trường, đặc biệt là công tác Đoàn, Đội, cô đã được công nhận là Tổng phụ trách giỏi cấp Trung ương. Cô đã có những  sáng kiến giỏi cấp tỉnh về băng reo để giúp học sinh trong các cái trò chơi, học tập. Cô đã được UBND huyện công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong ba năm liền. Và cô là một trong những giáo viên tiêu biểu để cho các đồng nghiệp cũng như các em học sinh học tập, noi theo”.

Sau mỗi giờ lên lớp, trở về bên trang giáo án, cô giáo Lò Thị Kim Cúc lại miệt mài với những ý tưởng dạy và học mới. Cùng với vốn kiến thức và kinh nghiệm quý báu tích lũy được, trong suốt những năm qua, cô đã luôn kiên định theo đuổi ước mơ mang con chữ đến với học trò nghèo vùng sâu, vùng xa.

Thu Trang – Đức Thắng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *