(kontumtv.vn) – Với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và sự hỗ trợ từ Chương trình Chống lao quốc gia, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả quan trọng trong việc phát hiện, điều trị cho bệnh nhân mắc lao. Tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi hằng năm đạt trên 95%, nhận thức của người dân về công tác phòng chống bệnh lao ngày càng được nâng cao.
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng con người, lây qua các tiếp xúc thông thường như ho, hắt hơi, nói chuyện…. nên gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của cộng đồng. Nguy cơ mắc lao có thể xảy ra với bất cứ người nào. Nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho bệnh nhân mắc lao, những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã quan tâm củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở, tích cực triển khai các hoạt động chuyên môn. Đến nay, 100% cán bộ chuyên trách phòng chống lao tuyến huyện, xã và nhân viên y tế thôn, làng đã được tập huấn nâng cao kỹ năng; 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai hoạt động quản lý chương trình phòng chống lao. Bác sỹ CKI Hồ Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum nói: “Công tác phòng chống lao đã được thực hiện rất tốt, thứ nhất là chúng tôi duy trì được mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh đến huyện, xã, mạng lưới này hoạt động rất có hiệu quả; chúng tôi cũng duy trì các lớp tập huấn, đào tạo, bổ sung, cập nhật kiến thức cho các em; thứ ba chúng tôi vẫn duy trì công tác truyền thông bệnh lao, đặc biệt là chiến dịch phòng chống lao. Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3 chúng tôi tổ chức rất rầm rộ ở 10 huyện, thành phố”.
Công tác khám phát hiện bệnh nhân lao mới luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã phát hiện trên 300 trường hợp mắc lao mới, 100% bệnh nhân lao mới đều được lập hồ sơ bệnh án điều trị đa hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát theo đúng qui định của chương trình. Tỷ lệ điều trị thành công luôn ở mức trên 95%. Đạt được kết quả này là nhờ hệ thống y tế cơ sở đã quan tâm theo dõi chặt chẽ bệnh nhân lao trong thời gian điều trị để bảo đảm hiệu quả điều trị, tránh kháng thuốc. Điển hình như anh A Thưk (thôn Klâu Ngo Yố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum), ngoài việc được các y, bác sỹ điều trị tận tình, gia đình anh còn nhận được sự quan tâm, tặng quà, thăm hỏi và động viên của cộng đồng. Anh A Thưk chia sẻ: “Tôi bị lao hơn 3 tháng rồi, tôi điều trị ở bệnh viện hơn 2 tháng, về xã lấy thuốc điều trị ở nhà cũng một tháng rồi.Tôi cũng cố gắng uống thuốc cho khỏi bệnh”.
Song song với việc thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện và điều trị bệnh lao, công tác truyền thông được ngành Y tế chú trọng triển khai. Hằng năm, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức từ 50 đến 60 đợt khám phát hiện chủ động, kết hợp với truyền thông trực tiếp tại các xã có tỷ lệ bệnh nhân mắc lao cao, qua đó giúp người dân nhận thức đầy đủ hơn về các biện pháp phòng chống bệnh lao.
Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Kon Tum tiếp tục tổ chức đào tạo cho cán bộ chuyên trách Lao tuyến huyện, xã để nâng cao công tác quản lý, giám sát bệnh nhân điều trị ở cộng đồng. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Chương trình Chống lao quốc gia, năm 2017, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum triển khai sử dụng máy Gene Xpert để chẩn đoán lao, lao kháng đa thuốc. Đây là điều kiện quan trọng để trung tâm thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện và điều trị bệnh lao. Bác sỹ CKI Hồ Bộ cho biết: “Trong công tác chuyên môn thì chúng tôi triển khai thực hiện thường xuyên và có hiệu quả kỹ thuật mới Gene Xpert đối với những trường hợp bệnh nhân lao khó phát hiện. Chúng tôi duy trì hoạt động phòng chống lao tất cả 10 tổ chống lao ở 10 huyện, thành phố, kể cả huyện Ia H’Drai mới thành lập. Đặc biệt chúng tôi tăng cường các dịch vụ khám, chữa bệnh có hiệu quả, thuận tiện, không mất tiền làm sao cho thuận lợi nhất cho mọi tầng lớp nhân dân”.
Bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa khỏi và phòng tránh được. Song để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao, ngoài các biện pháp chuyên môn của ngành Y tế, cần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng mới có thể phát hiện, khống chế, đẩy lùi, tiến tới thanh toán bệnh lao.
Ngọc Chí