(kontumtv.vn) – Nhiều người có mặt tại hiện trường kể rằng, nếu nhìn vào đường bay, họ đều phán đoán chiếc máy bay sẽ đâm thẳng vào chợ Hòa Lạc, hoặc khu dân cư của thôn 11.

Đã một ngày qua đi sau vụ tai nạn máy bay Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Phòng không 371, xảy ra tại thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 18 người trên chuyến bay đã thiệt mạng, hiện vẫn còn 3 chiến sĩ đang trong tình trạng đa chấn thương, bỏng nặng và hôn mê, được điều trị tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Đó là chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Đinh Văn Dương và chiến sỹ Nguyễn Văn Tuấn. Viện Bỏng quốc gia đã huy động các trang thiết bị, máy móc, thuốc men và các bác sỹ giỏi nhất để tập trung cứu chữa cho các chiến sỹ.

Sáng 8/7, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã đến thăm hỏi những cán bộ, chiến sĩ bị thương trong vụ tai nạn máy bay Mi-171 hiện đang nằm điều trị tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác.

Hiện trường nơi máy bay gặp nạn

Tại đây, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã thăm hỏi ân cần, động viên, chia sẻ với gia đình, người thân của những cán bộ, chiến sĩ bị nạn, mong các gia đình cố gắng vượt qua đau thương, mất mát này. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng trao tới gia đình mỗi quân nhân hy sinh và bị thương số tiền 10.000.000 đồng.

Trước đó, 7h53 phút ngày 7/7, chiếc máy bay Mi – 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Phòng không 371 đã gặp nạn trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại sân bay Hòa Lạc. Trên máy bay có 21 người gồm 2 thành viên tổ lái, 2 giáo viên dù và 16 học viên.

Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 18 người, là tổn thất to lớn đối với quân đội, với nhân dân, mà trước hết là nỗi đau khôn cùng của gia đình các cán bộ, chiến sĩ. Trước lúc hy sinh, các anh đã để lại trong lòng nhân dân những tình cảm yêu mến, sự cảm phục về lòng quả cảm khi  phi công lái máy bay đã cố gắng lái tránh nhà dân để tránh thương vong cho người dân địa phương và nhận phần hy sinh về mình.

Trong chuyến bay ngày 7/7, Thượng tá Hoàng Lại Long, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không- Không quân là lái chính. Chị Hoàng Hồng Thanh, vợ của Thượng tá Hoàng Lại Long kể, cả tuần vừa rồi, anh không về nhà vì phải trực. Là vợ lính, chị cũng đã quen với cảnh xa chồng thường xuyên. 14 năm lấy nhau, tính ra thời gian anh ở nhà cũng chỉ được hơn 1 năm. Có lần chị ốm cả tháng nhưng anh chỉ được về phép vài ngày.

Anh Long xây dựng gia đình muộn nên ở tuổi 54, con lớn của anh mới 13 tuổi, con nhỏ 7 tuổi. Khi nghe tin anh gặp nạn, chị Thanh tưởng chừng như đất trời sụp đổ. Dẫu đau đớn là vậy nhưng chị vẫn tự hào về chồng mình, bởi anh đã dũng cảm đến phút cuối đời.

36 tuổi, quê ở Nam Định, Đại úy Lê Thanh Việt nằm xuống đúng dịp anh được xét thăng quân hàm theo niên hạn lên thiếu tá. Người cha khắc khổ của anh năm nay đã bước sang tuổi 73, ông Lê Quang Vinh nghẹn ngào kể: Từ nhỏ, anh Việt đã mơ ước được khoác áo lính dù anh là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định. Là một gia đình có truyền thống, bản thân ông Vinh có 50 tuổi Đảng nên ông luôn răn dạy con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, tận tâm, tận lực phục vụ quân đội và nhân dân. Đến nay, Đại úy Lê Thanh Việt đã có gần 20 năm trong quân ngũ.

Nhắc đến vụ tai nạn sáng qua, nhiều người dân tại thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất vẫn không thể quên thời khắc cuối cùng khi chiếc máy bay gặp nạn. Nhiều người có mặt tại hiện trường kể rằng, nếu nhìn vào đường bay, họ đều phán đoán chiếc máy bay sẽ đâm thẳng vào chợ Hòa Lạc, hoặc khu dân cư của thôn 11.

Nhưng sau khi xảy ra sự cố, phi công lái máy bay đã cố gắng điều khiển để máy bay ra khỏi khu dân cư, hướng ra phía cánh đồng để tránh thương vong cho người dân. Các anh đã hy sinh và biết chọn sự hy sinh ý nghĩa nhất. Bởi vậy, đối với bà con nhân dân địa phương, họ xứng đáng là những người anh hùng.

Trong ngày hôm qua và hôm nay, thân nhân các cán bộ, chiến sĩ bị nạn đã có mặt tại Hà Nội để tiến hành giám định ADN.  Quân chủng Phòng không- Không quân, Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức tiếp đón, bố trí nơi ăn nghỉ, động viên kịp thời thân nhân những người bị nạn. Các đơn vị này cũng đang nắm bắt hoàn cảnh của 21 cán bộ, học viên để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực.

Trong buổi làm việc sáng nay tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu, lễ truy điệu các cán bộ, chiến sĩ hy sinh phải được tổ chức trang nghiêm; việc an táng phải được tổ chức đúng theo nguyện vọng của các gia đình và phong tục tập quán của địa phương.

Dự kiến, lễ truy điệu các nạn nhân sẽ diễn ra vào ngày 11/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108./.

Giang Thơm-Hiền Hằng/VOV-Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *