Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN

80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Đây là mục tiêu Bộ Nội vụ hướng đến vào năm 2025, trong kế hoạch chuyển đổi số.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số của Bộ, từng bước tạo lập dữ liệu mở, dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc độ xử lý công việc, Bộ Nội vụ đã có kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn này.

Kế hoạch hướng đến đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian; tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây.

Bộ Nội vụ phát triển các ứng dụng, dịch vụ theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số; sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo Bộ kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nội vụ, đồng thời cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Cùng với đó, tạo lập kho dữ liệu số ngành nội vụ đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu.

Năm 2025, Bộ Nội vụ phấn đấu có 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi với các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử.

100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của Bộ Nội vụ được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ và được kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. 60% các hệ thống thông tin có liên quan đến người dân, tổ chức đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. 50% hoạt động kiểm tra của Bộ Nội vụ được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Bộ vận hành hệ thống, kết nối, chia sẻ dữ liệu và tổ chức triển khai đánh giá cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước qua Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.

Đến năm 2030, Bộ Nội vụ hướng đến đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc của Bộ Nội vụ được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ giữa Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. 70% hoạt động kiểm tra của Bộ Nội vụ được thực hiện thông qua môi trường số, báo cáo trực tuyến và hệ thống thông tin quản lý ngành Nội vụ.

Bộ Nội vụ cũng cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu nội vụ phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước, công dân, các tổ chức và xã hội. Cung cấp dịch vụ dữ liệu, dịch vụ gia tăng trên cơ sở dữ liệu nội vụ, hướng tới phục vụ người dân và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu ngành nội vụ có tính phí.

Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; vận hành hệ thống, kết nối, chia sẻ dữ liệu và tổ chức triển khai đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được Bộ Nội vụ đặt ra, trong đó có việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về lưu trữ điện tử, trong đó có việc trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi Luật Lưu trữ năm 2011, đáp ứng yêu cầu quản lý tài liệu lưu trữ điện tử.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ tập trung phát triển hạ tầng số, dữ liệu số ngành nội vụ, xây dựng Chính phủ số bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin để thuận tiện cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước…

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *