(kontumtv.vn) – Ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ: Nhiều chính sách cho kiều bào rất tốt nhưng con người không thực thi tốt đã làm chính sách xa rời thực tế.

Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống và định cư ở trên 105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Riêng ở Mỹ có khoảng 2,2 triệu người. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài. Bà con rất phấn khởi trước sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, khi thực hiện chính sách vẫn còn nhiều rào cản từ chính những con người thực thi. Điều này đã gây khó khăn cho bà con kiều bào trong việc trở về thăm quê hương, đóng góp xây dựng đất nước.

VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nhiều chủ trương, chính sách tốt tạo thuận lợi cho bà con kiều bào

PV: Sau hơn 10 năm Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có thêm nhiều chính sách mới đối với bà con kiều bào. Ông và bà con kiều bào tại Mỹ nhìn nhận như thế nào về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước nước ngoài?

"con nguoi khong thuc thi tot lam chinh sach xa roi thuc te" hinh 0
Ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ông Nguyễn Tài Phương: Bà con kiều bào chúng tôi rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi ban hành Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài. Đây có thể nói là Nghị quyết đầu tiên của Đảng ta được ban hành công khai, đã đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc tình hình người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Nghị quyết 36 đã khẳng định đầy đủ chủ trương của Đảng và Nhà nước coi “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Sau Nghị quyết 36, Đảng và Nhà nước đã ban hành thêm nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào, đặc biệt mới đây Bộ Chính trị lại ban hành Chỉ thị 45 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Chỉ thị 45 một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước rằng, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm.

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới bà con kiều bào, đồng thời cũng là nền tảng, hỗ trợ, thúc đẩy để bà con gắn bó với quê hương đất nước; đồng thời tạo điều kiện cho bà con góp sức xây dựng đất nước.

PV: Như ông vừa cho biết thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được bà con đánh giá cao. Tuy nhiên, ở một số nơi dường như vẫn có nhiều rào cản trong việc để chính sách đến được với bà con. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Ông Nguyễn Tài Phương: Quá trình triển khai trong thời vừa qua, đặc biệt Nghị quyết 36 đã triển khai được hơn 10 năm, nhưng thực sự khi triển khai xuống tới cơ sở còn nhiều yếu kém mặc dù chính sách về mặt vĩ mô thì rất tốt.

Không chỉ riêng đối với việc thực hiện Nghị quyết 36, mà cá nhân tôi cũng như bà con kiều bào thấy rằng, nhiều chính sách rất tốt, nhưng về mặt triển khai chưa hiệu quả, quá trình thực thi còn nhiều vấn đề. Đây chính là rào cản cho bà con trở về đầu tư, về thăm quê hương, gắn kết tình cảm với đất nước.

Rào cản đó vẫn chủ yếu là con người. Chính sách tốt nhưng con người không thực thi tốt thì làm chính sách xa rời thực tế. Để tháo gỡ vấn đề này, chúng tôi nghĩ rằng, Nhà nước nên có các chương trình tập huấn cho các cán bộ lãnh đạo và những người trực tiếp tiếo xúc với bà con kiều bào.

Trong việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng nên quan tâm thế mạnh của cộng đồng bà con trong nước là thân nhân của bà con ở nước ngoài. Đây cũng là một cộng đồng có tiếng nói rất mạnh mẽ hỗ trợ cho chính sách đi vào thực tế cuộc sống. Họ cũng là cầu nối kết nối của bà con kiều bào với trong nước.
Chính sách chưa thực thi đầy đủ cũng chỉ là vấn đề cá nhân

PV: Thưa ông, đại đa số bà con kiều bào luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Tuy nhiên vẫn còn bộ phận nhỏ người Việt Nam ở nước ngoài vẫn có cái nhìn thiếu thiện chí với trong nước. Là Ủy viên ủy ban TW MTTQ Việt Nam, lại là một kiều bào sinh sống lâu Mỹ, theo ông làm thế nào để bộ phận nhỏ này hiểu đúng về tình hình trong nước?

Ông Nguyễn Tài Phương: Trong thời gian trước, chúng ta thấy cũng có nhiều vấn đề còn khúc mắc đối với bà con kiều bào nói chung, bà con ở Mỹ nói riêng. Bởi vì vấn đề này nó liên quan đến 2 nguyên nhân chính. Một là những người ra đi ở thời kỳ trước, trong và sau chiến tranh, trong những hoàn cảnh và lý do khác nhau, một bộ phận rất nhỏ mang nặng tư tưởng hằn học, có cái nhìn không đúng về trong nước, về sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc…

Hai là một bộ phận nhỏ ra đi sau này, dù cũng đã hiểu một phần chủ trương, chính sách ở trong nước nhưng vì vấn đề chính sách của chúng ta chưa đi vào thực tế, tạo được niềm tin cho nên họ còn có những suy nghĩ khác biệt với trong nước.

Nhưng nhìn chung, từ sau chuyến đi của Tổng Bí thư sang Hoa Kỳ đã thể hiện đất nước Việt Nam rất cởi mở, chính sách Việt Nam rất thông thoáng, Việt Nam mong muốn được làm bạn với tất cả các nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Chuyến đi của Tổng Bí thư đã mang lại sự tích cực trong suy nghĩ của bà con kiều bào, nhất là những người còn có những cách nhìn chưa đúng đối với quê hương đất nước.
Qua chuyến đi của Tổng Bí thư, bà con cũng nhận thấy rằng vấn đề chính sách chưa thực thi đầy đủ cũng chỉ là vấn đề cá nhân. Đó chỉ là vấn đề ở con người cụ thể chưa hiểu, chưa tích cực để làm tốt công tác Nhà nước giao phó. Sau chuyến đi của Tổng Bí thư cũng tạo ra tiền đề rất tốt cho cộng đồng ngày càng gắn bó với đất nước. Nếu chúng ta cùng chung tay làm tốt thì những người nào còn định kiến, chưa thấu hiểu tình hình trong nước thì dần dần họ cũng hiểu ra vấn đề.

PV: Mặt trận được coi là ngôi nhà chung gắn kết đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có bà con kiều bào. Ông đánh giá như thế nào về việc Mặt trận thực hiện vai trò của mình, nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Tài Phương: Trong nhiều năm qua, Mặt trận đã làm tốt vai trò là mái nhà đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mặt trận đã đoàn kết được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, phát động nhiều phong trào thi đua, được đông đảo người dân hưởng ứng.

Ngay từ trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta, vai trò của Mặt trận đã được khẳng định là tổ chức tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớn nhân dân trong và ngoài nước… Từ khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, vai trò của Mặt trận lại càng được khẳng định rõ hơn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Rõ ràng từ khi Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống thì vai trò của Mặt trận đối với đồng bào trong nước nói chung, bà con kiều bào nói riêng ngày càng được nâng lên. Bà con chúng tôi cũng nhận thấy rõ trong thời gian ấy, việc bảo vệ quyền và lợi ích của bà con kiều bào được tăng cường. Từ đó cũng giúp cho bà con hiểu thêm về vấn đề chính sách, về Đảng và Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hàng năm, Việt kiều về thăm đất nước khoảng 700.000-800.000 người (nếu so với năm 1986 là 8.000 và 2008 là 400.000). Về kiều hối, từ 1991 đến 2014 đạt trên 90 tỷ USD. Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới. Năm 2014 là 12 tỷ và năm 2015, đạt khoảng 13-14 tỷ USD. Khoảng 10% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài (400.000) có trình độ đại học.

Minh Hòa/VOV.VN (thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *