(kontumtv.vn) – Ông Nguyễn Túc cho rằng tăng cường thêm người ngoài Đảng vào Quốc hội sẽ tạo điều kiện để Đảng thẩm định lại mình.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, dự kiến đại biểu sẽ bấm nút thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Cấp ủy Đảng cũng cần thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của Quốc hội

Từ vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) và nhiều cá nhân từng bị bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội như ông Mạc Kim Tôn (Thái Bình), Lê Minh Hoàng (TPHCM), Đặng Thị Hoàng Yến (Long An), nhiều ý kiến cử tri cho rằng cần thiết phải quy định bằng luật quy trình lựa chọn Đại biểu Quốc hội và giám sát Đại biểu Quốc hội. Cũng có ý kiến đề nghị phải minh bạch hơn nữa thông tin của những người được đề cử và người tự ứng cử mới giúp cử tri lựa chọn được những đại biểu có chất lượng.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa- Xã hội của MTTQ Việt Nam, tinh thần của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cần toát lên được quyền làm chủ của dân, đặc biệt vai trò, vị trí của Quốc hội trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Để làm được điều này, nhận thức của các cấp ủy Đảng về quyền làm chủ của dân, về vai trò, vị trí của Quốc hội cũng cần phải thay đổi.

Ông Nguyễn Túc cho rằng, không phải đồng chí nào trong cấp ủy, đặc biệt cấp ủy cấp cao đều đã nhận thức đúng về vấn đề quyền lực của Quốc hội. Đảng lãnh đạo là đương nhiên, còn Quốc hội là hình ảnh thu nhỏ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân trước vận mệnh của đất nước. Quốc hội được coi là Hội nghị Diên Hồng thời đại Hồ Chí Minh, ở đó mọi việc do dân quyết, dân bàn, dân làm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy không thể hiểu Quốc hội chỉ là nơi thể hiện ý nguyện của Trung ương Đảng, mà ý Đảng phải hợp với lòng dân.

Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh, thực tế đã cho thấy, có những vấn đề không phải Đảng lúc nào cũng đúng, nhưng đưa ra Quốc hội, với trí tuệ của toàn dân đã phát hiện ra những chủ trương, chính sách của Đảng chưa sát với cuộc sống của dân.

Cơ cấu của Đảng trong Quốc hội không nên quá 70%

Để thay đổi về nhận thức của các cấp ủy Đảng, ông Nguyễn Túc cho rằng không nên giữ cơ cấu 80-85% của Đảng trong Quốc hội như hiện nay, con số đó không phản ánh đúng sự phát triển của xã hội ta hiện nay. Dân trí ngày càng cao, xã hội phát triển ngày càng mạnh, người ngoài Đảng không phải không có trí tuệ; ngoài Đảng không phải không có hiền tài.

Ông Nguyễn Túc đề nghị cơ cấu của Đảng trong Quốc hội không nên quá 70%. Ông lập luận: “Dứt khoát Đảng phải lãnh đạo nhưng đó là vấn đề nhân sự, con người; Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, chính sách chứ không nên giữ mọi cương vị trong xã hội”.

“Qua nhiều đời Tổng Bí thư, vấn đề này đã được đề cập, tuy nhiên chưa bao giờ tỷ lệ ĐBQH đạt được con số 20% ngoài Đảng. Trong Quốc hội, càng nhiều người ngoài Đảng, có trình độ, tâm huyết, đức độ nói người dân vẫn nghe, điều đó làm cho Đảng có điều kiện để thẩm định lại mình”, ông Túc chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, xã hội đã phát triển mạnh nên cũng không thể giữ cơ cấu đại biểu Quốc hội như cũ, không nên để Ban Tổ chức Bầu cử đề xuất cơ cấu ĐBQH mà nên đưa ra trước Hội đồng Bầu cử gồm nhiều thành phần, kể cả các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc bàn bạc, cho ý kiến để cả hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức cùng quyết định trên tinh thần dân chủ. Thành viên của Hội đồng Bầu cử này cũng phải được Quốc hội cho ý kiến, biểu quyết tại kỳ họp cuối cùng của khóa.

Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội cũng phải không tham nhũng, lợi ích nhóm

Ông Nguyễn Túc cũng nêu thực tế, với cơ chế thị trường hiện nay, không ít người vào Quốc hội với động cơ không trong sáng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Túc, Luật cũng nên quy định về vấn đề công khai tài sản, đời tư đối với những người được đề cử và tự ứng cử, kể cả khi họ được bầu ĐBQH. Những quy định đó giúp cử tri có thêm nhiều thông tin để lựa chọn cũng như bỏ phiếu tín nhiệm đối với ĐBQH.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Túc, những tiêu chuẩn để đánh giá, lựa chọn đối với ĐBQH cần phải cụ thể và phù hợp với từng đối tượng. Ông Nguyễn Túc cho rằng, ĐBQH cũng cần có những tiêu chuẩn giống như tiêu chuẩn đối với nhân sự Trung ương mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, cũng phải không tham nhũng, không lợi ích nhóm, không vì quyền lợi cá nhân, sống trong sáng…; ĐBQH là doanh nhân cũng phải có tiêu chuẩn riêng, hay đại biểu là người theo tôn giáo không thể yêu cầu họ phải yêu CNXH; đối với đại biểu người dân tộc, tiêu chuẩn về trình độ học vấn của họ phải quy định sao cho phù hợp./.

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *