(Kontumtv.vn) – Ngày 5/6, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Vấn đề này được nhiều cử trên địa bàn tỉnh Kon Tum quan tâm theo dõi.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV

Theo báo cáo, kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm năm 2011-2016” cả nước đã thành lập hơn 153.490 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra  hơn 3.350.000 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm và tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng lên hơn 67% trong năm 2016; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì còn không ít yếu kém, tồn tại. Đó là hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ATTP còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ, ngành, đơn vị nên việc triển khai còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Những vấn đề tồn tại này được cử tri tỉnh Kon Tum quan tâm và cho rằng đúng với thực tế hiện nay. Ông Nguyễn Văn Thanh (tổ 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) nêu ý kiến: “Vệ sinh thực phẩm liên quan đến  đời sống của tất cả mọi người, từ trẻ con đến ông già, kể cả người ốm đau nằm trong bệnh viện cũng rất cần thực phẩm an toàn. Nhưng hiện nay theo tình hình đưa tin trên ti vi thì cái ATTP vi phạm nhiều quá, tôi cho rằng cơ quan chức năng phát hiện ra rồi nhưng chưa thấy vụ nào xử lý nghiêm, đáng ra phải có biện pháp xử lý nghiêm minh, là các cấp chưa làm được”.

Các cử tri quan tâm nhất nội dung của báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách an toàn thực phẩm năm 2011-2016” là tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Đặc biệt, theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Vì vậy các cử tri mong muốn Quốc hội nên bàn và có những phải pháp xử lý nghiêm minh đối với những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Ông Trần Viết Truy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Duy Tân nói: “Hiện nay dân người ta khẳng định người lưu hành thực phẩm bẩn trên thị trường là tội giết người không dao, nên yêu cầu Nhà nước trên cơ sở chức trách của các ban, ngành, đoàn thể cần quản lý thật chặt chẽ, có biện pháp cụ thể. Qua theo dõi Quốc hội hôm nay thảo luận cũng thế, cách xử lý của mình không dứt khoát, chờ chế tài nên yêu cầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội có một cái luật cụ thể để chấn chỉnh lại, làm thế nào để cho đúng nguyện vọng của dân, ăn uống được sạch, đảm bảo được sức khỏe”.

“Chính phủ phải ra tay rõ ràng, phải kiên quyết xử lý, không phải thu rồi là tiêu đi, chôn lấp đi thì cũng chưa phải là cách giải quyết thỏa đáng. Phải điều tra một cách cụ thể người nào, tổ chức nào, cá nhân nào gây ra thực phẩm bẩn như thịt heo hôi thối, nội tạng hôi thối. Tôi chỉ có một đề nghị duy nhất là có biện pháp cụ thể nghiêm trị những người làm ra thực phẩm bẩn”. Ông Nguyễn Văn Thanh (tổ 5, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) đề nghị.

Cử tri cũng mong rằng kỳ họp Quốc hội lần này phải bàn kỹ và đề ra những mục tiêu định lượng cụ thể về an toàn thực phẩm để nhân dân giám sát; xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm; xử lý các cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm… Có như vậy người dân mới có thể sử dụng được thực phẩm an toàn.

Ngọc Chí – Thanh Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *