(kontumtv.vn) – Không chỉ nổi tiếng là lò giết người dã man nhất của thực dân Pháp thông qua chế độ tù khổ sai, Khu Di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum được nhiều người biết đến là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Kon Tum ngày 25/9/1930, trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh và là nơi lưu giữ chứng tích 2 cuộc đấu tranh đẫm máu. Đó là Cuộc đấu tranh “Lưu huyết” và cuộc đấu tranh “Tuyệt thực” diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931, trở thành biểu tượng bất tử của các chiến sĩ cộng sản nơi đây.

Trong số các sự kiện, hiện vật được trưng bày và thuyết minh cho các đoàn khách đến tham quan Khu Di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum, có lẽ đoạn nói về cuộc đấu tranh Lưu huyết và cuộc đấu tranh tuyệt thực diễn ra từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931, với 2 nhân vật chính là Nguyễn Huy Lung và Trương Quang Trọng đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất cho khách tham quan. Ông Trần Bá Ưu, CCB Đoàn tàu không số tỉnh Nghệ An xúc động: “Tôi lên đây, tôi nghe cô thuyết minh mà tôi cảm thấy rưng rưng nước mắt, khi những nhà cách mạng của chúng tôi ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào đây bị giam giữ và chết tại Kon Tum này. Rồi đây, qua hình ảnh này, chúng tôi phải làm cái gì để cho xứng đáng với các vị tiền bối đã hy sinh tại Kon Tum này”.

Thăm Di tích Ngục Kon Tum
Thăm Di tích Ngục Kon Tum

Sau cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp đã bắt bớ hàng loạt chiến sỹ cộng sản từ miền Trung đưa lên giam giữ ở Kon Tum. Mục đích của chúng là lợi dụng nơi rừng thiêng nước độc, xa xôi hẻo lánh để giết dần, giết mòn những người tù chính trị mà không sợ mang tai tiếng, dư luận. Công trường làm đường Đăk Pét, Đăk Pao là công trường có số tù chết chiếm kỷ lục cao nhất lúc bấy giờ. Chỉ trong 6 tháng mùa khô năm 1931, đã có trên dưới 200 trong số 295 người phải bỏ mạng trên công trường này. Không chịu cúi đầu nhìn anh em  bị đẩy vào con đường chết, những người tù chính trị đã kết liên lại để phản đối, tìm cho nhau con đường sống và ngày 12/12/1931 cuộc đấu tranh đẫm máu đã xảy ra giữa những người tù cộng sản và bọn lính cai ngục, cương quyết phản đối việc bắt tù nhân đi làm con đường 14 lần thứ hai, với tinh thần quyết tử, chết để sống. PGS-TS-NGUT Phạm Xanh, giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Với sự hy vọng của bọn Thực dân, dùng Nhà ngục Kon Tum với hy vọng khổ sai, với khí hậu khắc nghiệt của vùng này nó giết dần, giết mòn thể xác và ý chí chiến đấu, bản lĩnh chính trị của những người cộng sản Việt Nam, nhưng vượt lên tất cả những thứ đó người cộng sản Việt Nam tồn tại, khẳng định tính chiến đấu và ước vọng của chúng ta độc lập, tự do“.

Tuy bị kẻ thù đàn áp dã man, song cuộc đấu tranh Lưu huyết đã có tiếng vang lớn trong dư luận thế giới, buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị, từ bỏ việc xây dựng con đường 14, đóng cửa và giải tán bộ máy Nhà ngục Kon Tum vào năm 1934. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói: “ Nhà ngục Kon Tum này là nhà ngục ở khu vực Trung kỳ thời Pháp có một vị trí rất là đặc biệt. Và tôi muốn nhấn mạnh đây là nơi mà đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nhà tù thực dân Pháp và ở đây đã diễn ra cuộc đấu tranh trên qui mô lớn do Chi bộ Cộng sản lãnh đạo đầu tiên trong nhà tù của Thực dân Pháp. Theo tôi chỉ 2 điểm đó thôi cũng đã có thể khẳng định vị trí của nhà tù Kon Tum trong hệ thống nhà tù của Thực dân Pháp”.

Quá khứ đã lùi xa, nhưng hình ảnh những người tù chính trị đã ngã xuống vì công lý, nhân phẩm con người, vì độc lập, tự do cho đất nước luôn sống mãi trong lòng người dân Kon Tum; trở thành hình tượng bất tử của người chiến sĩ cách mạng mãi luôn trường tồn cùng sự phát triển của tỉnh.

 Quang Mẫn – Thanh Tùng – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *