(kontumtv.vn) – Nghi lễ, nghệ thuật truyền thống đã được tái hiện sinh động trong không gian Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I diễn ra tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông trong các ngày 14-16/1. Đây là chương trình nghệ thuật đậm bản sắc, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS Việt Nam.

Trong không gian Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, nhiều nghi lễ truyền thống được tái hiện sinh động, góp vào bức tranh văn hóa lung linh sắc màu. Các nghi lễ được tái hiện gồm: Lễ cúng lúa mới của dân tộc Stiêng tỉnh Bình Phước; lễ cúng sức khỏe của dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk; lễ cưới của người Chăm tỉnh An Giang; lễ bỏ mả của dân tộc Banar tỉnh Gia Lai; lễ hội đắp cát của người Khơme tỉnh Cà Mau; lễ bắc máng nước của dân tộc Xê Đăng tỉnh Kon Tum; lễ hội mừng làng mới của dân tộc Pako tỉnh Quảng Trị… Các nghệ nhân phục dựng một trích đoạn trong nghi lễ, mô phỏng khái quát sinh động đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc mình, lại loại bỏ các yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay, chỉ giữ lại các nghi lễ mang tính giáo dục, tính cộng đồng. Thông qua việc trình diễn tín ngưỡng dân gian, nghệ nhân đã tái hiện rõ nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình từ trang phục, âm nhạc đến các nghi thức dân gian. Già làng Điểu Đố, huyện Bu Đăng, tỉnh Bình Phước nói: “Mục đích là mình thu lúa ở nhà, cái hũ lúa, mình cúng để lúa về hết ở nhà, để mình đủ ăn, nuôi con cháu, nuôi buôn làng. Nó đi, mình sợ đói, có gà mình làm gà, có heo làm heo, có trâu bò thì làm trâu bò, có cái nào làm cái đó”.

DAC SAC NGHI LE TRUYEN THONG CUA CAC DAN TOC

“Người Kơ Tu đại diện cho huyện Đông Yang, tỉnh Quảng Nam rất vinh dự khi đến đây, tỉnh Đắk Nông lo cho chúng tôi rất chu đáo. Chúng tôi đem điệu múa bản sắc của mình, lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, cả làng đều tuốt lúa của năm đó, 1 năm chỉ làm được 1 mùa thôi. Được mùa, mình tổ chức đâm trâu cúng cho Giàng, cho Trời, cho Đất để phù hộ cho bà con được no ấm, mạnh khỏe”. Già làng A Lăng Đại, huyện Đông Yang, tỉnh Quảng Nam cho biết.

Không chỉ tái hiện các nghi lễ truyền thống, nghệ nhân còn trình diễn nghệ thuật dân gian với các tiết mục hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa, tạo nên sức hút đối với du khách, bởi chính trong không gian này, họ được  sống những giây phút giao cảm đầy tinh thần cộng đồng, hòa vào đời sống tâm linh của tộc người để có cảm nhận rõ nét hơn đối với  văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Thế Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Đắk Nông nói: “Sự tái hiện của các nghi lễ, liên hoan diễn xướng, tiết mục dân gian thể hiện sự tinh túy của di sản các địa phương đặc trưng, mang đến một câu chuyện cho du khách trong nước và quốc tế thấy được bản sắc không thể mất đi được. Đây là công tác giao lưu, học hỏi của các nghệ nhân. Đây là mục tiêu chính, ngoài ra nó cũng cho thấy những nét tinh xảo, tinh tế của các nghệ nhân thể hiện đúng bản sắc, đúng nội dung cốt truyện, đúng nghi lễ truyền thống”.

“Cảm nhận của mình khi xem các nghi lễ này là rất đặc sắc, độc đáo, từ những người đứng đầu, người biểu diễn truyền đạt cho nghi lễ đó. Mình thấy rõ những nét độc đáo, là điểm tốt để lưu truyền cho các thế hệ sau gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”. Bà Nguyễn Thị Hoa Mai, một du khách ghi nhận.

Nghi lễ và nghệ thuật truyền thống được tái hiện, giới thiệu trong không gian Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tạo nên sức sống mới cho loại hình nghệ thuật dân gian, góp phần tôn vinh, kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Vỹ Phượng – Tuấn Uyn

Đài PT-TH Đăk Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *