(kontumtv.vn) – Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, khi cử tri không đồng tình vinh danh ứng cử viên nào đó thì có quyền không cần bỏ phiếu.

Cấm bầu thay?

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị thêm nguyên tắc bỏ phiếu quy định cấm đi bầu thay để tránh tình trạng xảy ra trên thực tế tổ chức bầu cử vừa qua.

Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nhất trí luật hóa việc chống đi bầu thay để đảm bảo mỗi cử tri bày tỏ ý chí trong việc lựa chọn đại biểu, thể hiện tính khách quan của kết quả bầu cử.

Cụ thể là khi đi bầu đại biểu, cử tri phải xuất trình thẻ cử tri và giấy chứng minh, hoặc giấy tờ tùy thân khác.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp)

Ở góc độ khác, theo đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp), không vì mục đích nhằm đạt chỉ tiêu bầu cử mà thúc ép cử tri đi bầu cử vì việc này sẽ vi phạm đến quyền bầu cử của công dân.

Thay vào đó, các cơ quan, tổ chức liên quan phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân nhận thức đúng quyền, cũng như trách nhiệm của mình trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.

“Ví dụ, tại Hội trường Quốc hội, trước bàn của từng đại biểu chúng ta thấy có cả phím “không biểu quyết”. Cử tri khi không đồng tình vinh danh ứng cử viên đó thì người ta cũng có quyền”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Quốc hội phải có thêm tiêu chuẩn riêng

Đề cập tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị quy định ngay trong luật mà không nên dẫn chiếu quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người ứng cử. Vì các nội dung về tiêu chuẩn tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn còn chung chung, nhất là tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ)

“Đối với đại biểu Quốc hội thì ngoài những tiêu chuẩn chung cần có những tiêu chuẩn riêng. Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải có đủ trình độ, năng lực, kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phân tích, đánh giá từ lý luận đến thực tiễn”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Yến, đối với đại biểu HĐND 3 cấp, ngoài những tiêu chuẩn chung thì cũng cần quy định tiêu chuẩn riêng cho mỗi cấp. Như tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND tỉnh phải khác với đại biểu cấp xã.

Nêu quan điểm khác với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng chỉ cần dẫn chiếu tiêu chuẩn từ hai luật. Trên cơ sở các quy định đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử đề cao trách nhiệm giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự thích đáng làm đại biểu cho mình đảm bảo chất lượng.

Về tiêu chí cụ thể để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thì đề nghị có hướng dẫn cụ thể riêng./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *