(kontumtv.vn) – Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng sự đổi mới tại phiên chất vấn lần này là đáng hoan nghênh nhưng phải có thời gian để hoàn thiện.

Trách nhiệm người đứng đầu phải rõ

Đánh giá chung về phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày qua, đại biểu Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ cho rằng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đáp ứng được nội dung câu hỏi đặt ra của các đại biểu. Tuy vậy, nếu câu trả lời trực diện, trúng hơn nữa, giảm báo cáo của ngành mình, bộ mình thì tốt hơn.

Về truy trách nhiệm đến cùng, theo đại biểu Tiến là chưa thực sự rõ, vì chất vấn không phải để tìm hiểu thông tin, càng không phải chất vấn để biết mà suy cho cùng là truy trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan bộ ngành mà Quốc hội đã bầu và phê chuẩn.

dai bieu quoc hoi noi gi ve phien chat van cuoi cua khoa xiii? hinh 0
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến

Nhấn mạnh trách nhiệm của Tư lệnh ngành ở cuối nhiệm kỳ, đại biểu Lê Như Tiến nói: “Dù còn một ngày đang công tác thì các vị Bộ trưởng cũng phải hoàn thành trách nhiệm, chức trách của mình. Còn phần nào chuyển tiếp thì chuyển cho người kế nhiệm. Như thế mới đúng bổn phận, chức trách và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Đề cập vấn đề mà đại biểu chất vấn về tình trạng có quan chức có hành vi vơ vét khi sắp “hạ cánh”, ông Tiến cho rằng cần có giải pháp cụ thể hơn. Ví dụ như quy định từ 3-6 tháng trước khi về hưu, anh không được ký các quyết định bổ nhiệm đề bạt hoặc tuyển dụng người thân, không ký dự án lớn mà dự án thuộc nhiệm kỳ sau.

Quy định cụ thể để tất cả quan chức muốn cũng không thể thực hiện được. Cùng với đó cần tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm và theo dõi sát hơn với những người sắp hết nhiệm kỳ; phát huy tai mắt của cử tri, của quần chúng ở nơi cán bộ công tác.

Người dân có thể đánh giá được cả Chính phủ và Quốc hội

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng sự đổi mới tại phiên chất vấn lần này là đáng hoan nghênh nhưng phải có thời gian để hoàn thiện. Chất vấn là cơ hội đánh giá, giám sát hoạt động của Chính phủ nhưng đồng thời cũng là dịp giám sát đánh giá các đại biểu.

“Giờ chúng ta thuận lợi hơn xưa rất nhiều là có hệ thống truyền thông hiện đại. Tôi nghĩ nhân dân theo dõi cả người hỏi và người đáp nên đòi hỏi kỹ năng, trách nhiệm rất cao. Người dân sẽ đánh giá được Chính phủ như thế nào, Quốc hội như thế nào”, ông Quốc nói.

dai bieu quoc hoi noi gi ve phien chat van cuoi cua khoa xiii? hinh 1
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai)

Những gì diễn ra ở phiên chất vấn gần như cuối cùng của khoá XIII với những thay đổi về phương thức đã tạo ra được môi trường thuận lợi hơn để các đại biểu có thể tiếp cận, truyền tải những vấn đề mình quan tâm cũng như phản ánh nhiều vấn đề bức xúc của người dân tới nghị trường; yêu cầu các thành viên Chính phủ phải trả lời ngay tại Quốc hội.

Theo đại biểu, sau mỗi lần chất vấn như thế, các thành viên Chính phủ và mỗi đại biểu Quốc hội tự xem lại mình và cố gắng làm tốt hơn chức trách trên diễn đàn Quốc hội. Đây là mục tiêu và chắc chắn hiệu ứng của chất vấn sẽ ngày một tốt hơn.

Đề cập phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh, đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ: Bộ trưởng nói có một sự thật là vấn đề du lịch có rất nhiều yếu tố như vấn đề giao thông, an ninh xã hội. Trách nhiệm luôn luôn phải trao truyền, mỗi một vị Bộ trưởng là kế thừa của người Bộ trưởng trước. Trao cho người sau xem lại di sản đó là điều hết sức cần thiết.

“Tôi nghĩ một cách thiện chí là Bộ trưởng đã nói lên sự thật. Ở đây vấn đề đồng trách nhiệm rất quan trọng. Có những Bộ trưởng khéo hơn nhưng họ cũng để lại những “di sản” không nhỏ, vấn đề là cách nói mà thôi”, Đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Rút kinh nghiệm để tranh luận nhiều hơn

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đánh giá tính dân chủ và tinh thần trách nhiệm được thể hiện rất rõ trong đợt chất vấn lần này. Việc truy đến cùng hay bao quát hết vấn đề mà cử tri mong muốn là khó, song có những nội dung, vấn đề được tranh luận sôi nổi, nhiều nội dung cũng đi đến cùng vấn đề.

Nhấn mạnh cách thức tiến hành phiên chất vấn lần này là mới, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng để chất lượng tốt hơn thì đòi hỏi người chủ toạ phải linh hoạt và cương quyết cắt và nhắc nếu hỏi và trả lời quá dài; tạo không khí chất vấn mang tính tranh luận.

dai bieu quoc hoi noi gi ve phien chat van cuoi cua khoa xiii? hinh 2
Đại biểu Nguyễn Thái Học

Bản thân mỗi đại biểu cũng phải nêu vấn đề cho cụ thể, đừng quá chung chung vì như thế Bộ trưởng sẽ trả lời chung chung. Vấn đề đại biểu chọn nêu làm sao để tính tranh luận giữa người hỏi và người trả lời cao hơn là điều mỗi đại biểu phải rút kinh nghiệm.

Để có thời gian trao qua đổi lại thì các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời hết sức ngắn gọn và cụ thể, đừng nêu báo cáo quá nhiều hay thông qua việc trả lời để rồi giới thiệu quá trình, kết quả hoạt động của ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

“Trước khi bước vào phiên chất vấn, Đoàn thư ký kỳ họp đã thông báo yêu cầu rất cụ thể đến đại biểu và người trả lời phải ngắn gọn. Tức quy định thì có nhưng khi thực hiện thì nhiều người không thực hiện theo đúng yêu cầu. Vấn đề này phải rút kinh nghiệm”, đại biểu Học nêu quan điểm./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *