(kontumtv.vn) – Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi bàn về giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2011-2015 và thời gian tới.

Thảo luận tại tổ sáng nay (24/3), nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Một số đại biểu cho rằng cơ quan chức năng dự báo chưa tốt tình hình thiên tai; chưa có phương án phòng hạn, mặn bài bản mà hiện nay mới chỉ dừng lại ở biện pháp tình thế.

Trước đó liên quan đến lĩnh vực phòng chống thiên tai, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra hạn chế, đó là chất lượng dự báo, nguồn lực và khả năng phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập úng ở một số thành phố lớn chậm được khắc phục. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ven biển, ven sông diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Về giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) đề nghị cơ quan chuyên môn nghiên cứu các giải pháp ngăn hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng các giải pháp chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng lúa sang nuôi thủy sản hoặc nghiên cứu giống lúa có thể trồng ở nước nhiễm mặn.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đề nghị khôi phục mức độ che phủ rừng cũng như xây dựng một số đập nước lớn ở các vùng trên cả nước để tích nước dùng cho mùa khô hạn.

Đồng thời, các ý kiến đều nhấn mạnh tới việc Chính phủ phải tập trung khuyến khích, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. “Phát triển công nghệ cao là đòi hỏi cấp bách với các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa”, đại biểu Lê Thanh Hải, đoàn TPHCM nói.

Đại biểu này cho rằng: “Làm công nghiệp công nghệ cao thì khó nhưng làm nông nghiệp công nghệ cao thì không khó. Con giống, công nghệ bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh không phải là chúng ta không làm được”.

Giải pháp đưa ra là trước hết phải phát huy tối đa đội ngũ khoa học trong nông nghiệp kỹ thuật cao, thu hút chuyên gia là Việt kiều ở nhiều nước tiên tiến – coi đây là mũi nhọn đột phá để phát triển kinh tế.

Còn đại biểu Đỗ Văn Đương thì cho rằng doanh nghiệp tư nhân phải là nòng cốt trong việc tham gia đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có sự liên kết sản xuất với các hộ nông dân. “Ta phải học và nhận chuyển giao công nghệ của Nhật Bản, Israel, biến các vùng hạn hán thành vùng màu mỡ, sinh lợi nhuận”.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *