(kontumtv.vn) – Được thành lập lại ngày 01/11/1975, sau 42 năm xây dựng, từ một huyện ngõ cụt, nghèo khó, sâu xa nhất của tỉnh Kon Tum, đến nay huyện Đăk Glei đã có nhiều thay đổi. Đồng bào các dân tộc nơi đây luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua đói nghèo, xây dựng huyện ngày một ổn định và phát triển.

Dù tuổi đã cao, nhưng nhờ siêng năng, chịu khó lao động, lại được Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện về vay vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn, những năm qua ông A Ngân ở (thôn Đăk Ven, Đăk Pek, Đăk Glei) không chỉ vươn lên thoát nghèo mà xây dựng kinh tế gia đình ngày một khá giả. Từ chỗ chỉ trồng lúa rẫy, đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 3 ha cây bời lời, 2 ha cây mì, chăn nuôi 7 con bò và hàng chục con heo, gà, vịt, thu nhập hàng năm trên 150 triệu đồng. Ông A Ngân nói: “ Cán bộ thôn, xã luôn giúp đỡ, hướng dẫn gia đình tôi làm ăn, phát triển kinh tế, trồng bời lời, chăn nuôi bò, heo. Đến nay, kinh tế gia đình ổn định hơn trước rất nhiều. Nhà cửa ổn định rồi”.

DAK GLEI NO LUC VUOT KHO, XAY DUNG HUYEN NGAY MOT PHAT TRIEN

Trước đây thôn Đăk Ven đường sá giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân vất vả do ở phía bên kia sông Pô Kô, nhưng những năm gần đây, cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới và sự nỗ lực của người dân, cảnh quan và đời sống người dân trong thôn đã có nhiều thay đổi. Đường vào làng đã có cầu treo bắt qua sông kiên cố, tất cả các đường nội thôn đã được bê tông hóa, người dân tập trung sản xuất, mở rộng chăn nuôi, từng bước nâng cao đời sống. Anh A Thẳng, Trưởng thôn Đăk Ven cho biết: “So với trước đây thì bà con phát triển rất nhiều. Trước đây đất thì rộng mà đàn bò lại không phát triển. Bây giờ đất cũng hẹp rồi nhưng đàn bò lại càng phát triển. Trong thôn 175 hộ, 70% số hộ nuôi bò. Có hộ ít nhất cũng 1-2 con, có hộ nhiều thì mười mấy, hai chục con. Tổng đàn bò trong thôn trên 300 con”.

Hiện nay, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng như Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp, tình hình đời sống, cũng như kết cấu hạ tầng đã có nhiều thay đổi. Việc hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập luôn được huyện quan tâm. Bà Y Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: “Mường Hoong, Ngọc Linh hiện nay là 2 xã khó khăn nhất của huyện, trong thời gian qua cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, những cây cà phê cằn cổi hoặc những nơi trồng được sâm dây thì đã vận động bà con chuyển sang trồng sâm dây. Đến nay, mô hình trồng sâm dây trên địa bàn Mường Hoong, Ngọc Linh phát triển rất tốt”.

Đặc biệt, sau khi đường Hồ Chí Minh đi qua huyện được thông thương, hệ thống giao thông đi các xã, thôn được đầu tư nâng cấp, đi lại thuận tiện, việc mua bán, giao thương hàng hóa được mở rộng, đã kích thích tinh thần hăng say lao động, mở rộng quy mô sản xuất của người dân. Cùng với đó, việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, huyện đã tạo điều kiện cho nhân dân từng bước chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng như cao su, bời lời, cà phê xứ lạnh, cây dược liệu, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Bà Y Bớ, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei nói: “Trước đây thói quen sản xuất là bằng phát đốt, chọc tỉa, du canh du cư, nhưng sau này, có chủ trương của Đảng thì bà con đã biết dùng kỹ thuật để nâng cao đời sống, nâng cao năng suất lao động lên và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Tăng trưởng kinh tế của huyện thì năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù sự phát triển không đồng đều, nhưng nhìn chung đời sống của nhân dân Đăk Glei này được cải thiện rõ rệt”.

Từ chỗ chỉ có cây lúa rẫy, cây mì, đến nay, huyện Đăk Glei đã phát triển được trên 1.500 ha cây cà phê, hơn 2.000 ha cây cao su, 3.500 ha cây bời lời và đang đẩy mạnh phát triển diện tích cây cà phê xứ lạnh, các loại cây dược liệu nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện. Nhiều xã có diện tích cây công nghiệp phát triển như Đăk Kroong, Đăk Môn, Đăk Choong, xã Xốp, nâng thu nhập của người dân từ 9- 10 triệu đồng trong năm 2010 lên hơn 19 triệu đồng trong năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5-6%/ năm. Đây là những kết quả khả quan để cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei tiếp tục phát huy, vượt qua những khó khăn, xây dựng huyện ngày một ổn định và phát triển.

 Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *